Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Máng cỏ của cu Tý

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Cu Tý học trường Lasan Taberd từ lớp hai. Và ngay từ lớp hai, cu Tý đã được các sư huynh dạy giáo lý. Tâm hồn tuổi thơ là tâm hồn thánh. Tâm hồn ấy học những lời thánh thiện thì nhớ mãi và chỉ muốn làm những điều Chúa khuyên răn. Bố cu Tý không theo tôn giáo nào. Ông tự cho mình sung sướng và thích nói: "Hồn lưu lạc thờ chưa riêng một Chúa". Nhưng ông đã không thích cu Tý để hồn nó lưu lạc. Trẻ con cần thiết có niềm tin. Chúa bảo mọi người là anh em, mọi người phải thương yêu nhau, mọi người làm việc lành, tránh điều dữ. Cu Tý tuân lời Chúa và rất buồn bã nếu bố cu Tý cứ đi đánh bài. Cu Tý nghĩ rằng bố thua thì mẹ khổ, bố thắng thì mẹ những đứa trẻ khác khổ. Gây khổ cho người ta là phạm tội. Hễ ai phạm tội, chết sẽ bị xuống địa ngục. Cu Tý tưởng tượng ra một địa ngục toàn lũ quỷ độc ác sẽ đánh đập bố. Đôi bận bố vui vẻ, cu Tý hỏi bố những câu hát liên hệ tới Chúa, bố trả lời tử tế, cu Tý quả quyết bố sẽ lên thiên đường.
- Bố ơi, tại sao Chúa thiên tòa lại giáng sinh thấp hèn?
- Vì Chúa sinh ra đời ở máng lừa. Chúa không được đặt trên một chiếc nôi êm ái. Chúa không được bú sữa Guigoz. Bấy giờ nhằm mùa đông, trời đầy tuyết. Con biết tuyết chưa? Giống lớp bông mỏng trong ngăn đá tủ lạnh và lạnh như đá.
- Ai đã sưởi ấm Chúa?
- Những vì sao trên trời. Đó là mắt của Thượng Đế.
- Ai đã nuôi Chúa?
- Đức Mẹ.
- Nuôi bằng gì?
- Tình thương. Tất cả những bà mẹ đều nuôi con bằng tình thương. Ai được nuôi bằng tình thương, lớn lên sẽ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè, người tàn tật, người gặp hoạn nạn, người giúp việc và cả trâu bò, lợn gà, chim muông... Và biết tha thứ mọi người, tha thứ cả kẻ định giết mình.
- Rồi Chúa có đi học không?
- Bố không thấy nói trong kinh Cựu Ước.
- Kinh Cựu Ước là gì ?
- Là sách viết truyện cuộc đời Chúa. Để bố nói tiếp: Chúa là con nhà nghèo. Người ta thường đối xử không tốt với những người nghèo. Chắc thuở bằng tuổi con, Chúa cũng đi học và bị bạc đãi. Nên Chúa mới phó thác cho các sư huynh, các nữ tu lo việc giáo dục cả trẻ con có đạo lẫn ngoại đạo và làm cho trẻ con bình đẳng bằng cách mặc đồng phục. Ở sân trường, Chúa muốn thế, trẻ con nhìn bạn bè mình giống mình thì chúng không tủi thân, không buồn bã. Con nên nhớ rằng, Chúa đã có thời thơ ấu nghèo nàn, khổ sở.
- Chúa có chơi đùa không?
- Có.
- Chúa có đánh lộn không?
- Chắc chắn không. Chúa chỉ bị đánh chứ không đánh lại. Nên Chúa dạy: Kẻ nào tát ta má bên trái, ta chìa má bên phải cho nó tát thêm.
- Con là con tát lại liền.
- Vì vậy mới có một Chúa. Ngay cả một số linh mục bị người đời bình phẩm còn hằn học phẩm bình lại người đời, nữa là con.
- Bị bắt nạt, hẳn Chúa buồn lắm, bố nhỉ?
- Tuổi thơ của Chúa buồn như tuổi thơ Việt Nam. Chúa không muốn tuổi thơ buồn bã. Chúa muốn tuổi thơ hồn nhiên, sung sướng. Ngày sinh của Chúa đã là ngày vui của trẻ con. Và người vâng lệnh Chúa đem niềm vui đến cho trẻ con trong ngày Giáng Sinh là ông già Nô en.
- Ông già Nô en bao nhiêu tuổỉ
- Một tuổi.
- Bố kỳ quá, ông già mà một tuổi !
- Đó là tuổi vui.
- Bố ơi !
- Ơi...
- Có phải Chúa ở khắp mọi nơi, Chúa thương hết mọi ngườị
- Ừ, Chúa ở khắp mọi nơi nhưng Chúa chỉ thương người thành thật, nghèo khổ. Chúa ghét bọn giầu sang.
- Sao bố biết ?
- Cu Tý thấy cái lỗ kim khâu áo rồi chứ ?
- Dạ.
- Cu Tý thấy con lạc đà chưa ?
- Ở ti vi, bố ạ ! Nó to gồ ghề.
- À, Chúa nói, con lạc đà có thể chui qua cái lỗ kim (vì nó hiền lành thành thật, chịu khó làm việc) nhưng bọn nhà giầu thì khó lên thiên đường (vì ham ăn diện và lo cách bóc lột nhà nghèo).
- Bố tin Chúa ở khắp mọi nơi không ?
- Con tin không ?
- Tin.
- Vậy bố tin con.
- Chúa đang ở trên đầu con, Chúa đã nghe hết chuyện bố kể về Chúa cho con nghe, bố hén ?
- Ừ
- Chúa sẽ thương con.
- Cu Tý sẽ lên thiên đường.
-
Câu chuyện về Chúa của bố con cu Tý khác hẳn những câu chuyện về Chúa của các linh mục. Và không giống kinh sách. Điều ấy, cu Tý chẳng cần hiểu. Cu Tý chỉ biết Chúa là chúa tể của muôn loài, muôn vật. Chúa đủ quyền uy, phép Tích. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa thương người nghèo và không ghét người giầu. Chúa thương nhất trẻ con. Thuở thơ ấu, Chúa nghèo hèn, cô đơn. Chúa ra đời ở máng lừa, khóc chào đời trên cỏ khô. Chúa thương người nghèo nên cu Tý thương người nghèo. Cu Tý theo mẹ đi lễ ở nhà thờ thường bỏ vào hộp tiền "cứu giúp người nghèo" mười đồng. Mẹ cu Tý ngoại đạo. Đến nhà thờ nào cũng dâng hoa cung kính Đức Mẹ và xin đủ ân huệ. Cu Tý thì không xin gì. Chỉ mong được lên thiên đường. Đó là những năm tháng cu Tý học lớp hai, lớp ba, lớp tư. Năm nay, cu Tý học lớp năm. Vẫn bé nhỏ, loắt choắt, khờ khạo và có vẻ... nghệ sĩ. Vì có vẻ nghệ sĩ, thành thử, tâm hồn thường đi đá cầu, đá dế, đá cá, quên lời mẹ dặn, bị đánh đòn hoài. Cu Tý bị đánh đòn hay kêu cầu cứu bố thảm thiết lắm. Nhắc lại, năm nay, cu Tý học lớp năm, đứng hạng bình liên tiếp bốn tháng. Trường của cu Tý tổ chức cuộc thi làm máng cỏ. Sư huynh giám học bảo máng cỏ nào đẹp nhất sẽ được phần thưởng và máng cỏ được bầy trong tủ kính ở văn phòng nhà trường. Cu Tý dự cuộc thi liền. Dự thi với niềm tin trúng giải một cách ngây thơ và với hy vọng nhìn máng cỏ của mình bầy trong tủ kính và các sư huynh khen giỏi và Chúa mỉm cười trìu mến.
Mê Chúa vô cùng nhưng, buổi tối, khi vào giường ngủ, cu Tý quên cầu nguyện. Có lẽ, cu Tý mệt với bài vở. Trường Lasan Taberd bắt trẻ con học thật nhiều. Tiểu học, học buổi chiều, đến trường lúc hai giờ trưa. Tối về thường làm thêm, ít nhất, hai bài toán. Nhiều hôm, cu Tý loay hoay với bài làm ở nhà tới mười một giờ đêm. Nên vào giường, cu Tý lăn ra ngủ. Hai đứa em của cu Tý chăm chỉ cầu nguyện hơn cả trẻ con có đạo. Con Ki và cu Đốm học trường nữ tu Công giáo. Con Ki cầu nguyện Chúa giúp mẹ ngủ được, hết bệnh, hết càu nhàu. Cu Đốm nghiêng tình thương về bố, cầu nguyện Chúa giúp bố... đánh bài "ăn" và muỗi đừng đốt chân cu Đốm vì cu Đốm sợ chân có sẹo. Bây giờ mới là mười hai tháng chạp. Miền Nam không có mùa đông. Nhưng tuyết đang rơi trong tâm hồn cu Tý. Hễ hai em cầu nguyện trước giờ ngủ, cu Tý vội bỏ bài vở, vô cầu nguyện với em. Và nó cầu Chúa giúp nó làm cái máng cỏ đẹp nhất. Cu Tý đã nhớ cầu nguyện. Vì cái máng cỏ.
Mỗi ngày, bố cho cu Tý hai chục uống nước. Cu Tý uống chai xá xị mất mười đồng. Từ hôm "ghi tên dự thi" làm máng cỏ, cu Tý nhịn uống. Cu Tý dành tiền mua "vật liệu" kiến trúc cái máng cỏ đầu tiên trong đời cu Tý. Trước hết là những tấm hình in rô nê ô về sự tích Giáng Sinh bán ở nhà sách trong trường. Cu Tý "thanh toán" bài vở rất nhanh để loay hoay tô mầu lên hình Chúa và các thánh. Cu Tý hỏi bố cách tô mầu. Bố dốt về mầu sắc. Cu Tý hỏi mẹ. Cu Tý có cái tật đáng ghét ghê đi. Là làm hỏng cái gì thì ngồi khóc, ngồi khóc. Cu Tý cắt hình bị lẹm, ngồi khóc. Y như cu Tý làm bài, học bài. Bố cu Tý hỏi han, rõ chuyện phải an ủi :
- Con làm đi làm lại nhiều lần mới đẹp. Giải thưởng thường về tay những người kiên nhẫn. Nước chảy đá món, cu Tý ạ !
Cu Tý lau nước mắt. Hôm sau, mua về một xấp hình. Cu Tý ngỏ ý nhờ bố mẹ tô mầu giúp. Bố nói :
- Bố tô cũng được và sẽ đẹp nhưng con sẽ bớt vinh dự nếu máng cỏ của con trúng giải nhất. Hãy tự con làm một máng cỏ đẹp nhất như tự bố, bố đã làm lấy cuộc đời bố .
- Chúa có giúp con không ?
- Con cứ giúp con trước đã, Chúa sẽ giúp sau.
Cu Tý học lớp năm, sắp lên trung học rồi, nên hiểu lời bố. Cu Tý không nhờ vả bố mẹ nữa. Cu Tý thức khuya tô mầu hình Chúa và các vị vua từ phương Đông. Hỏng. Xé bỏ. Khóc. Nín. Tô hình mới. Cuối cùng cu Tý đã có những tấm hình có chân dán tô mầu thật đẹp, cắt thật hay, cần thiết cho sự trang trí bên trong máng cỏ. Cu Tý hài lòng. Cu Tý cười nói huyên thuyên. Để đền ơn hai em không phá nghịch, cu Tý mua xí muội tặng cu Đốm và đậu phụng da cá tặng con Ki. Đã đến lúc cu Tý lo cái nền máng cỏ. Cu Tý nhờ bố bắc thang leo lên gác xép kiếm miếng gỗ mỏng. Cu Tý lục lọc tung cả gác xép. Bị mẹ cho ăn roi. Mông cu Tý nổi hình con lươn đỏ. Bố vắng nhà không "can thiệp" kịp. Cu Tý dấu chuyện ăn đòn. Chờ bố về, cu Tý tán bố:
- Bố ạ, nhà mình chẳng có miếng gỗ mỏng nào. Đằng sau cái khung ảnh của con là miếng các tôn dầy cộm, con lén mẹ gỡ ra làm cái nền máng cỏ được không hả, bố :
- Rồi lấy gì thay thế ?
- Dự thi xong con đem về, gỡ ra, lắp vô như cũ.
- Con sẽ trúng giải nhất mà.
Cu Tý ngây người ra giây lát. Bố xoa đầu cu Tý :
- Thì gỡ đi. Bố nhận tội giùm con.
Cu Tý cười:
- Con chịu nổi năm roi, bố ạ !
Cu Tý tháo miếng các tông sau khung ảnh chụp cu Tý đứng ở bãi biển Vũng Tầu làm cái nền máng cỏ. Cu Tý cuốc bộ lên Tân Định mua giấy bạc làm hang đá, mua cỏ nhuộm nhân tạo làm cỏ máng lừa nơi hang Bê lem. Cu Tý mua cả cây "sa panh" nhỏ xíu lốm đốm tuyết trắng. Cu Tý "sáng tác" thêm cái cột trên nóc hang đá và cột thêm nhiều cành để máng sao và các thiên thần do cu Tý vẽ và tô mầu. Bố cu Tý ngạc nhiên:
- Hang đá và máng cỏ của con lạ thật.
Cu Tý nói :
- Con làm theo bài hát, bố ơi : "Nghe trên không trung, tiếng hát thiên thần vang lừng..."
Bố khen máng cỏ đẹp, mẹ không có ý kiến. Con Ki chê dở ẹt. Cu Đốm bảo máng cỏ sẽ chiếm giải bét ăn bánh tét. Cu Tý buồn lắm. Khi cu Tý bảo mẹ.
- Con sẽ chiếm giải nhất, mẹ ạ !
Mẹ xua tay:
- Con sẽ chả được cái giải gì đâu.
Cu Tý càng buồn hơn. Và càng buồn thì buổi tối cu Tý cầu Chúa càng lâu hơn. Cu Tý tin tưởng máng cỏ của cu Tý sẽ nhất. Bố đã nói lời Chúa dạy với cu Tý: "Kẻ nào có niềm tin bằng hạt cát sẽ di chuyển được trái núi từ chỗ này qua chỗ khác". Cu Tý có niềm tin to bằng cái máng cỏ của cu Tý.
Trước ngày đem máng cỏ nộp sư huynh giám học, cu Tý hỏi ý kiến bố :
- Bố nói thật đi, máng cỏ của con xấu lắm phải không bố ?
Bố gật đầu:
- Máng cỏ của con không đẹp.
- Con thôi dự thi nhé ?
- Con nên đem dự thi. Bố có thể nhờ thợ làm hay đi đặt cho con một cái máng cỏ thật đẹp, thật đắt tiền, thật lộng lẫy; bố cũng có thể làm giúp chon chiếm giải. Nhưng bố đã nói với con về cuộc đời ấu thơ của Chúa. Chúa đâu có ra đời ở chỗ giầu sang lộng lẫy. Mà Chúa ra đời ở chỗ thấp hèn, ở cái máng cỏ đơn sơ hơn cái máng cỏ của con. Cu Tý, nhà mình không theo đạo Công giáo nhưng mẹ con và các em đều thờ phụng Chúa. Và con đã làm cái máng cỏ đúng ý Chúa nhất. Con đã làm cái máng cỏ bằng tấm lòng của con, bằng cả sự... chịu đòn vọt. Con đã học giáo lý, đã biết Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa đã ở nhà ta, đang ở nhà ta. Chúa đã nghe bố con mình nói về Chúa, đã theo dõi con làm cái máng cỏ kỷ niệm sinh nhật Chúa, đã thấy con khóc khi tô mầu hình Chúa, đã thấy con cười khi cắt hình Chúa, đã thấy con bị đòn đau vì tâm hồn con để hết vào cái máng cỏ. Cuối cùng, Chúa thấy một điều làm Chúa sung sướng là, đứa trẻ ngoại đạo làm cái máng cỏ đơn sơ tặng Chúa, đồng thời, nó biết làm sáng danh Chúa. Và bố tin chắc cái máng cỏ của con sẽ chiếm giải nhất. Chúa phát giải cho con.
Cu Tý mở tròn mắt, há hốc miệng nghe bố nó. Cu Tý ngồi bất động. Tâm hồn cu Tý bay lên trời cùng với chiếc máng cỏ. Tâm hồn cu Tý gặp thiên thần. Và các thiên thân dẫn cu Tý mang quà sinh nhật dâng lên Chúa. Chúa xúc động. Chúa khóc...
Duyên Anh
13-12-1972
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Người lính trở về

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Khi cuộc oanh tạc đánh phá tan hoang chiến hào của hắn tại Fossalta, hắn nằm bẹp dí, vã mồ hôi cầu khẩn Chúa. Chúa ơi cứu con khỏi nơi đây. Chúa ơi, xin cứu con. Nếu Chúa cứu con thoát chết, con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa sai khiến, con sẽ tin nơi Chúa và sẽ bảo tất cả mọi người trên thế gian này chỉ có Chúa mà thôi, Chúa mến yêu ơi. Khi đạn pháo qua khỏi vòng tuyến, chúng tôi thu dọn lại chiến hào. Buổi sáng mặt trời mọc, mang đến một ngày nắng oi bức và yên tĩnh. Đêm sau, khi trở về Mestre hắn chẳng kể cho đứa con gái nơi hồng lầu biết về câu chuyện Chúa của hắn. Từ đó hắn cũng chẳng hề hé môi với ai. (The next night back at Mestre he did not tell the girl he went upstairs with at the Villa Rossa about Jesus. And he never told anybody.)
+++++++
Hắn (Krebs) vào quân đội khi đang ngồi ghế nhà trường tại Methodist College, tiểu bang Kansas. Kia là tấm hình hắn mặc đồng phục đứng giữa sư huynh đệ của mình. Cả bọn cùng trang lứa với nhau. Hắn gia nhập thủy quân lục chiến năm 1917 và chỉ trở về Hoa Kỳ khi sư đoàn II rút quân khỏi giòng sông Rhine (++) vào mùa hè 1919 (He enlisted in the Marines in 1917 and did not return to the United States until the second division returned from the Rhine in the summer of 1919). Còn kia là tấm hình hắn chụp bên giòng Rhine cùng hai cô gái Đức và người hạ sĩ. Hắn và người hạ sĩ trông quá khổ trong bộ quân phục, hai cô gái Đức chẳng phải là người đẹp, và con sông thì không rõ hình rõ dạng.
Hắn trở về quê hương Oklahoma của mình quá muộn màng. Đã qua thật lâu rồi giai đoạn thiên hạ tung hô chào đón người hùng trở về từ mặt trận. Các chàng trai đi quân dịch nơi quê hắn đã quay về vẻ vang trong thời điểm ấy. Bọn họ đã đón nhận tất cả sự nhiệt liệt hân hoan mừng buổi đoàn viên từ khắp nơi mọi phía. Sau đó sự việc lắng đọng theo thời gian, và mọi người cho rằng sự trở về muộn màng của hắn thật khôi hài đáng tội vì đã qua khá nhiều năm sau khi chiến tranh hoàn toàn kết thúc.
Lúc đầu hắn chẳng muốn bàn đến chiến tranh, đến những nơi mà hắn từng đi qua như Belleau Wood, Soissons, the Champagne, St. Mihiel và the Argonne. Về sau, khi hắn thấy cần phải nói thì chẳng ai buồn nghe. Quê của hắn đã nghe đầy tai về những câu chuyện tàn bạo kinh thiên động địa, về người thật, việc thật. Hắn nhận ra một điều, muốn được thiên hạ lắng nghe thì hắn cần phải nói dối cho câu chuyện của mình thêm ly kỳ hấp dẫn, và khi nói dối đến lần thứ hai thì hắn đâm ra thù ghét chiến tranh, thù ghét luôn việc đề cập đến nó. Tất cả các điều thêu dệt làm cho hắn mất cảm giác, mất cảm tình với những việc xãy đến với hắn trong thời chiến (His town had heard too many atrocity stories to be thrilled by actualities. Krebs found that to be listed to at all he had to lie, and after he had done this twice he, too, had a reaction against the war and against talking about it. A distate for everthing that had happened to him in the war set in because of the lies he had told). Duy chỉ khi nào sâu lắng tâm tư hồi tưởng lại thời gian đã qua của mình, hắn mới thấy dễ chịu và có cảm giác nhẹ nhàng. Khoảng thời gian ấy đã qua thật lâu rồi. Khoảng đời ấy đã cho hắn hoàn thành một việc tối thượng thật đơn giản và tự nhiên, đó là nghĩa vụ duy nhất của người đàn ông. Trong khi người khác có thể sẽ làm một việc khác hơn, để mất đi niềm hào hùng, mất đi giá trị thiêng liêng vô cùng cao quý, và đánh mất luôn chính bản thân họ.
Thật ra lời nói dối của hắn hoàn toàn vô thưởng vô phạt, chẳng quan trọng gì và chỉ góp phần cho câu chuyện riêng tư của hắn mà thôi. Điều mà người khác biết đâu đã từng thấy qua, làm qua, hoặc nghe qua, và cho là sự thật. Toàn là những câu chuyện truyền miệng không chính xác, tuy nhiên lại thường tình xãy ra rất quen thuộc với người lính. Người quen biết với hắn, từng nghe câu chuyện kể tỉ mỉ về những người phụ nữ Đức bị xiềng cứng bên cỗ súng máy tại khu rừng Argonne. Họ chẳng ý thức chi cả về việc mình làm mà vì bị kích động do tinh thần yêu nước nhồi sọ. Bất cứ tay xạ thủ người Đức nào nếu không bị xiềng xích, sẽ làm cho câu chuyện của hắn kém phần xúc động. Tuy thế, hắn khó chịu khi nói không đúng sự thật hoặc phóng đại. Nếu vô tình gặp gỡ và trò chuyện với người từng đi lính như mình, hắn dễ dàng rơi ngay vào vị trí của kẻ già dặn kinh nghiệm giữa những người lính với nhau. Nhớ lại chuỗi ngày tháng làm hắn vô cùng hãi hùng, hắn hoang mang và mất phương hướng hoàn toàn.
Bây giờ là cuối mùa hạ. Hắn thường dậy muộn. Hắn thức dậy chỉ để bát phố, vào thư viện mượn hai quyển sách và về nhà ăn trưa. Sau đó ngồi trước hiên đọc sách đến chán và lại đi lang thang khắp nơi trong vùng, hoặc dành suốt buổi trưa nóng bức bên hồ bơi mát lạnh. Vào buổi tối, hắn dợt lại tiếng kèn của mình, dạo phố, đọc sách và đi ngủ. Đời sống của hắn xem ra thật vô tích sự, nhưng dưới mắt hai cô em gái hắn vẫn là người hùng. Mẹ hắn chiều con, để hắn ăn sáng tại giường nếu hắn muốn. Bà mẹ thường vào phòng khi hắn còn nướng cháy trên giường hỏi thăm về chiến tranh, nhưng sự quan tâm của bà mông lung không rõ rệt.
Trước khi vào quân đội hắn chưa hề được phép lái xe. Cha hắn kinh doanh trong ngành địa ốc, nên luôn cần sẵn chiếc xe để ông đưa thân chủ đi xem nhà đất vào bất cứ giờ phút nào thuận tiện. Chiếc xe đậu trường kỳ bên ngoài ngân hàng nơi ông làm việc trên lầu hai, chiến tranh đã chấm dứt và chiếc xe ấy vẫn còn đây, nguyên hình nguyên dạng. Nói chung mọi việc trong vùng hắn chẳng thay đổi điều gì, trừ mấy đứa con gái lớn lên. Tuy nhiên, đời sống của bọn họ thật phức tạp, và hoàn toàn xa lạ với thế giới của hắn khiến hắn chùn bước chẳng muốn tiến đến. Hắn chỉ thích ngắm họ mà thôi. Rất nhiều cô gái trẻ đẹp. Phần nhiều cắt tóc ngắn ngang vai (bobbed hair). Thời xa xưa khi hắn chưa vào quân đội chỉ có mấy đứa con gái nhỏ mới để tóc kiểu ấy.
Từ mái hiên nhà mình, hắn thích ngắm các cô gái đi ngang phía bên kia đường. Hắn thích nhìn họ bước dưới tàng cây bóng mát. Hắn thích mái tóc ngắn chấm vai và dáng dấp của họ. Thuở trước, họ không gây cho hắn chút ấn tượng gì vì hắn không hề để ý mấy đứa con nít bu quanh chiếc xe kem. Thật ra hắn chẳng thích con người thật của đám con gái ấy vì bọn họ phức tạp và hoàn toàn cách biệt với hắn. Thời gian gần đây hắn để ý một cô, nhưng chẳng muốn làm quen. Hắn thích con gái nhưng lại không muốn bỏ quá nhiều thời gian để được họ vì hắn sợ vướng vòng tằng tịu khổ ải. Hắn lại càng không muốn bận bịu với cuộc hẹn hò. Thật ra, hắn chẳng muốn nói dối điều này thế kia vì hắn nghĩ không đáng để phiền lòng.
Hắn sợ hậu quả. Hắn ngại ngần sợ phải sống ngao ngán với hậu quả thêm lần nữa. Hắn tha thiết muốn sống cuộc đời bình yên lâu dài không chi phối vì hậu quả. Hơn nữa, hắn chưa cần thiết có một người đàn bà. Quân đội đã dạy hắn như thế. Muốn tỏ ra mình cần có một người đàn bà bên cạnh thì đã sao, hầu như ai cũng làm được. Nhưng thật sự không hẳn thế. Đâu cần phải có đàn bà. Hắn nhớ nằm lòng một câu chuyện khá ngộ nghĩnh. Lúc đầu tên bạn bảo hắn đàn bà chẳng nghĩa lý chi với gã cả, rằng gã không bao giờ quan tâm đến họ, và họ đừng hòng động đến sợi lông chân của gã. Đoạn, tên bạn lại bảo gã chẳng thể sống thiếu đàn bà, rằng gã luôn cần có họ vì không có họ gã ngủ chẳng yên. Thật láo lếu. Nói nhăn cuội quanh quẩn cách nào cũng chỉ toàn láo lếu. Thật ra đâu cần phải có người đàn bà bên cạnh, trừ phi mình một lòng một dạ ôm ấp hình bóng họ trong tâm tư. Hắn học điều này từ quân đội. Sớm hay muộn cũng có một người. Khi thời gian đến hồi chín mùi, tự nhiên họ sẽ đến, đâu cần phải nghĩ ngợi mông lung. Sự việc gì, sớm hay muộn rồi sẽ đến, hắn lại học điều này từ quân đội.
Hắn chỉ thích một người con gái nếu người ấy đến với hắn âm thầm đừng nói năng tâm sự gì cả. Nhưng nơi này quá phức tạp, hắn tự hiểu rõ mình chẳng thể nào vượt qua thêm lần nữa. Hắn tự nhủ không đáng để gây thêm phiền toái. Nhớ thuở nào bên mấy đứa con gái người Pháp và người Đức. Ngày ấy, xứ lạ quê người đâu có thể dài dòng văn tự và đâu cần phải nói. Rất đơn giản là chỉ làm bạn nhau mà thôi. Hắn nhớ về nước Pháp, người Pháp. Xong hắn lại nhớ về nước Đức, người Đức. Nói cho cùng, hắn thích người Đức hơn. Hắn chẳng muốn rời nước Đức. Hắn chẳng muốn trở về quê hương, nhưng rồi hắn phải về. Ngồi bên mái hiên nhà mình.
Hắn để ý thích mấy đứa con gái đi ngang nhà từ phía bên kia đường. Hắn chiêm ngưỡng bọn họ và yêu mến dáng dấp của họ hơn mấy đứa con gái người Pháp và người Đức. Tuy nhiên, thế giới của họ không phải là thế giới của hắn. Hắn mong được quen một cô trong bọn, nhưng hắn nghĩ chẳng đáng. Hắn thừa biết họ rất xinh đẹp, nhưng hắn cũng biết mình không kham nổi những điều sẽ hỏi và câu chuyện sẽ kể bên giờ phút tâm tình. Hắn không tha thiết muốn làm quen một người nào cả mà hắn chỉ muốn thương thầm nhớ trộm chiêm ngưỡng cả bọn mà thôi. Nhưng hắn lại nghĩ chẳng đáng, chưa phải ở thời đi"m này.
Hắn thường ngồi bên mái hiên đọc quyển sách viết về chiến tranh. Đó là sự kiện lịch sử, và hắn đọc về mối liên quan gắn bó mà hắn từng trải qua. Xưa đến nay chưa bao giờ hắn đọc được điều ưng ý như thế, và hắn ước ao phải chi có thêm tấm bản đồ. Hắn mong mỏi với niềm sung sướng được đọc các sự kiện lịch sử quý giá cùng với tấm bản đồ có đầy đủ chi tiết. Bây giờ hắn mới thật sự hiểu tận tường về chiến tranh, và tự biết mình là một người lính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả.
Vào một buổi sáng khoảng tháng sau khi hắn trở về nhà, bà mẹ bước vào phòng hắn. Bà ngồi lên giường, vuốt chiếc áo.
- Mẹ vừa nói chuyện với cha con đêm qua. Cha có ý muốn cho con dùng xe vào buổi tối.
Hắn dật dờ chưa tỉnh hẳn.
- Cho con lái xe ?
- Ừ.
- Mẹ xin cha phải không ?
- Không. Do ý của cha con mà thôi.
- Con dám chắc mẹ đã xin với cha.
- Con xuống ăn sáng nhé.
- Chờ con sửa soạn chứ.
Bà mẹ rời phòng. Trong lúc tắm gội, cạo râu, thay quần áo, hắn nghe tiếng mẹ chiên xào dưới nhà. Lúc hắn đang ăn sáng đứa em gái mang thư vào.
- Anh dậy sớm làm gì ? Không nướng nữa hở ?
Hắn nhìn em. Hắn rất thương con bé này vì nó là đứa em gái ngoan nhất. Hắn hỏi em.
- Lấy báo cho anh chưa ?
Con bé đưa cho anh tờ Kansas City Star. Hắn dở lớp giấy dầu bọc bên ngoài, và mở ngay trang thể thao. Hắn xếp gọn tờ báo, dựng tựa vào chiếc bình nước và tô cốm, để vừa ăn vừa đọc. Bà mẹ đứng ngay cửa bếp.
- Nè con, đừng làm dơ đó. để dơ, cha con không đọc đâu.
- Không đâu mẹ.
Đứa em gái ngồi xuống bàn, nhìn hắn đọc báo.
- Anh, chiều nay tụi em chơi banh (baseball) trong trường. Em sẽ ném banh nè.
- Giỏi !
- Em chơi độc hơn mấy thằng con trai nữa đó. Em bảo tụi nó anh dạy em. Mấy con nhỏ kia sức mấy mà giỏi bằng em.
- Ừ.
- Em bảo tụi nó anh là bồ của em. Được không ?
- Hừ !
- Bộ làm anh thì không làm bồ được sao ?
- Đâu biết.
- Anh biết mà. Chừng em lớn, thì anh làm bồ của em.
- Ừ, thì bây giờ nè.
- Thật hở ? - - Thật chứ.
- Thương em không ?
- Thương chứ.
- Thương em hoài không ?
- Thương mà, đừng hỏi nữa nghe.
- Chiều nay đến xem em chơi không ?
- Có thể.
- Hừ ! anh hổng thương em. Nếu thương em thì anh phải đến xem em hạ tụi nó.
Bà mẹ từ nhà bếp bước vào phòng ăn. Bà cầm chiếc đĩa trên có hai quả trứng chiên, vài lát ba rọi nóng ròn, và một đĩa bánh kiều mạch (buckwheat cakes). Bà mẹ bảo con gái:
- Con chạy đi chơi, để mẹ nói chuyện với anh.
Bà đặt đĩa trứng và thịt xuống mặt bàn, đẩy chai đường mật ăn với bánh về phía trước, đoạn ngồi xuống đối diện với hắn.
- Con, bỏ báo xuống. Mẹ muốn nói chuyện với con.
Hắn đặt tờ báo xuống xếp lại gọn gàng. Bà mẹ gỡ đôi kính ra.
- Con có kế hoạch gì chưa ?
- Chưa !
- Sao chưa ? con phải tính chứ ?
Không phải bà mẹ gắt gỏng, nhưng bà lo âu. Hắn trả lời mẹ:
- Con chưa nghĩ qua.
- Con à, Chúa luôn xếp đặt cho mọi người có công việc để làm. Trong nước Chúa, chẳng có bàn tay nào nhàn rỗi vô tích sự cả. (God has some work for every one to do, There can be no idle hands in His Kingdom.)
- Con đâu phải ở trong nước Chúa !
- Con à, tất cả chúng ta đều ở trong nước Chúa.
Hắn xấu hổ và bất mãn. Bà mẹ tiếp tục kể lể.
- Mẹ rất lo cho con. Bên ngoài nhiều cám dỗ, và mẹ biết con là người yếu đuối. Ông con, cha con đã kể về cuộc nội chiến làm mẹ sợ hãi, và mẹ luôn cầu nguyện cho con. Mẹ cầu nguyện cho con cả ngày đêm, con ạ.
Hắn cúi nhìn lát thịt nguội lạnh trên đĩa. Bà mẹ thao thao không ngừng.
- Cha cũng lo cho con. Cha nghĩ, con mất đi hoài bão, niềm tin và chưa xác định được hướng đi cho mình. Con biết Charley Simmons chứ ? chỉ bằng tuổi con mà nó có công ăn việc làm đàng hoàng và còn sắp cưới vợ. Mấy đứa con trai xóm này đã yên nơi yên chỗ. Tụi nó có mục tiêu vạch cho mình hẳn hòi. Rồi con xem, những thằng như Charley Simmons sẽ làm được những điều ích nước lợi dân. (you can see that boys like Charley Simmons are on their way to being really a credit to the community.)
Hắn ngậm câm chẳng biết trả lời sao với mẹ.
- Con đừng có cái nhìn như thế. Con rõ hơn ai hết, mẹ thương con và mẹ muốn nói để con được tốt. Cha không muốn xen vào quyền tự do riêng tư của con. Ông ấy còn muốn con lái xe, và ra ngoài tiếp xúc với xã hội. Con muốn hò hẹn gặp gỡ cô nào thì tùy ý con. Cha mẹ đều mừng cho con vì cha mẹ muốn con có đời sống thoải mái, nhưng con phải có công ăn việc làm như mọi người. Con làm bất cứ công việc gì cha mẹ cũng không ngại vì công việc nào cũng đều có giá trị và đáng quý, nhưng con phải bắt tay vào mới được. Sáng nay cha bảo mẹ nói cho con hiểu, sau đó con có thể đi gặp cha.
- Chỉ vậy thôi hở mẹ ?
- Ừ, con thương mẹ không ?
- Không !
Qua chiếc bàn, bà mẹ nhìn hắn. Đôi mắt long lanh, bà bật khóc. Hắn bảo:
- Con chẳng thương ai cả.
Bậy quá. Hắn không biết nói sao cho mẹ hiểu, hắn không biết làm sao cho mẹ thấy. Nói ra điều ấy thật bậy, hắn chỉ khiến cho mẹ buồn mà thôi. Hắn bước qua bàn, cầm cánh tay mẹ. Bà mẹ tay ôm lấy đầu khóc nức nở. Hắn tần ngần.
- Con không cố tình. Con đang bực bội. Mẹ ơi, thật sự con không cố tình, chẳng phải con không thương mẹ.
Bà mẹ vẫn khóc. Hắn đặt cánh tay mình lên vai mẹ.
- Mẹ không tin con ư ?
Bà mẹ lắc đầù
- Con xin mẹ. Tin con đi mẹ.
Bà mẹ ngước nhìn hắn, nghẹn ngào.
- Thôi được, mẹ tin con.
Hắn hôn tóc mẹ. Bà mẹ áp má vào hắn.
- Mẹ là mẹ của con. Mẹ đã ẳm bồng con khi con còn bé bỏng.
Hắn bối rối, đầu óc choáng váng mơ hồ.
- Con biết, mẹ. Con đã cố gắng ngoan ngoãn.
Bà mẹ hỏi:
- Con, cầu nguyện với mẹ nhé ?
Hai mẹ con quỳ xuống bên cạnh chiếc bàn, đoạn bà mẹ cầu nguyện.
- Con cầu nguyện đi.
- Không được.
- Cố đi con.
- Không được.
- Mẹ cầu nguyện cho con nhé ?
- Dạ.
Bà mẹ cầu nguyện cho hắn, xong họ đứng dậy. Hắn hôn mẹ, đoạn bỏ ra ngoài. Hắn đã cố gắng sống bình thường như mọi người, nhưng chưa được. Sự đời nhiều phức tạp còn xa lạ với hắn. Hắn tội cho mẹ mình, bà đã khiến hắn phải nói dối. Nếu hắn bỏ lên thành phố (Kansas City) tìm được công ăn việc làm hẳn bà rất hài lòng. Trước khi đi, hắn cần giải quyết một chuyện nữa. Hắn sẽ chẳng đến gặp cha mình. Hắn tránh điều này vì hắn không muốn gây thêm điều rắc rối. Mọi việc xem như tạm ổn. Bây giờ hắn muốn đến trường của đứa em gái, xem nó hạ đối thủ.
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Ăn tối ngoài tiệm

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Đi ăn tối ngoài tiệm là một điều thú vị phải không các bạn? Người ta nấu nướng mọi thứ cho bạn, dọn lên trên bàn cho bạn thưởng thức...và rồi sau đó còn dọn dẹp, rửa chén cho bạn nửa chứ...Đã thì thôị..Tất cả những điều bạn phải làm chỉ là nhai, nuốt và sau cùng là trả tiền. Nhưng thưa các bạn...những điều tôi vừa kể trên đã cuốn theo chiều gió hết rồi...Và đây là câu chuyện của tôi...
Một chiều cuối tuần nọ, sau khi lãnh pay check, tôi bèn quyết định một cách hạnh phúc là thay vì nấu ăn ở nhà như thường lệ, tôi sẽ rủ cô bạn gaí đi ăn tối ngoài tiệm. Xin thưa với các bạn đó là lần đầu tiên tôi đi ăn ntoài tiệm. Khi tôi đến tiệm ăn thì trời ơi... tôi có cái cảm tưởng như là đang lạc vào bát quái trận đồcủa Hoàng Dược Sư trên Đào Hoa Đảọ..Người hầu bàn, ăn mặc còn sang trọng hơn tôi nũa, chào đón tôi:
"Xin chào quí khách, 2 người phải không ạ?" Tôi hảnh diện đáp:
"Vâng , 2 người ." Anh ta hỏi tiếp
"Hút thuốc hay không hút thuốc?
Tôi trả lời ra vẻ như không bao giờ hút thuốc:
"Không, tôi không hút thuốc."
Người hầu bàn tiếp tục hỏi:
"Ngài thích ngồi ở khu vực trong nhà hay ngoài trời ?"
Tôi trả lời như là mình có một quyết định đúng đắn:
"Tôi thích ngồi ở trong hơn là ra ngoàị"
Anh ta phụ họa:
"Dúng đấy, thưa ngàị" Vàhỏi tiếp:
"Ngài thích ngồi ở phòng ăn chính, ở bao lơn có mái che hay là trong khu nhà kiếng chan hòa ánh nắng của chúng tôỉ"
Đến đây thì tôi hơi lúng túng:
"Hmm...để coị.."
Anh ta đề nghị:
"Tôi có thể sắp cho Ngài ngồi ở khu nhà kiếng với phong cảnh tuyệt vờị"
Tôi hưởng ứng và đi theo anh ta:
"Tôi nghỉ anh nói đúng đấỵ"
Anh ta lại hỏi tiếp:
"Bây giờ Ngài thích nhìn ra sân golf hay muốn nhìn cảnh mặt trời lặn trên bờ hồ hay là cảnh núi non hùng vĩ?..." Tôi nghỉ thầm là lần này hãy để nó chọn phứt đi cho xong, đở phải lúng túng:
"Chổ nào anh thấy đẹp là được rồi!"
Thật ra anh ta đặt chúng tôi ngồi hướng về sân golf hay bờ hồ hay núi non gì đó tôi cũng cóc biết vì lúc đó trời đã tối bên ngoài.
Lúc sau, một người hầu bàn khác trẻ hơn, cũng ăn mặt bảnh hơn tôi, đến bàn tôi và nói:
"Kính chào quí khách. Tôi là Paul. Chiều nay tôi sẽ phục vụ quí khách. Quí khách có muốn ngồi ngắm cảnh thêm vài phút trước khi đặt món ăn hay không?"
Tôi nói ngay:
"Không, tôi đang đói lắm. Tôi là dân lao động. Mang lên cho tôi một dĩa thịt bò với rau và khoai tây nướng."
Anh ta hỏi thêm:
"Ngài muốn dùng thêm súp hay rau trộn?"
Tôi đáp ngay: " Rau"
Anh cứ hỏi:
"Chúng tôi có rau xanh nhiều loại, củ dền đỏ, cà chuạ..Ngài có thích trộn với tôm không?"
Tôi xẳng giọng: " Rau xanh thôi, OK?"
Anh ta đáp: " Vâng thưa Ngài. Có dầu giấm không?"
Tôi không muốn kéo dài cuộc khẩu cung này nữa:
"Bất cứ cái gì cũng được."
Anh ta cứ nói:
"Chúng tôi có dầu giấm kem Ý, phó mát xanh,giấm chua Pháp...
Tôi cướp lời:
"Đem bất kỳ thứ nào làm tôi ngạc nhiên là được..."
Anh ta vẫn đứng đó:
"Dầu giấm kem Ý là loại đặc biệt của chúng tôi. Như thế có được không thưa Ngàỉ"
Tôi cộc lốc" Yeah"
Anh lại hỏi: " Còn khoai tây thì saọ.."
Tôi thừa biết caí gì sắp xảy ra nên không muốn anh ta đứng lải nhải nữa:
"Tôi chỉ muốn khoai tây nướng mà thôi, hiểu chưa? Không có cái giống gì kèm theo nữ hết."
Anh cứ hỏi: "Không bở Không kem chua à?"
Tôi gằn giọng: " Không."
Anh ta vẫn hỏi: "Không để hành luôn à?"
Tôi hết chịu nỗi nên phải quát lên:
"Không. Anh không hiểu tiếng Anh à? Tôi không muốn cái gì với khoai tây hết. Cứ mang ra cho tôi khoai tây nướng với thịt bò là được rồị"
Anh ta lại chỉa mủi dùi sang thịt bò:
"Ngài muốn 200 gram, 250 gram hay 350 gram thưa Ngàỉ."
Tôi trả lời cho có: "Bao nhiêu cũng được."
"Ngài muốn tái, tái vừa vừa, vừa, vừa chín hay chín hẳn thưa Ngàỉ"
Tôi không thể nào chịu được nữa:
"Ệ..Tao nổi cơn rồi đấy nhé..."
Anh ta vẫn không tha tôi: "Ngài thích broccoli, bắp hay cà rốt chung với thịt bò?"
Như giọt nước làm tràn ly nóng giận, tôi ném khăn ăn xuống đất , đứng phắt lên, xắn tay aó, xông vào anh ta và giở giọng vỏ biền:
"Ê... Mày muốn ra ngoài sân chơi tay đôi không, thằng dai nhưđỉa kiả"
Trời ơi, đến nước này mà anh ta cũng không thể không hỏi ý kiến tôi:
"Vâng, thưa Ngài. Ngài thích ở bãi đậu xe, ngoài đường nhỏ hay đường lớn đối diện với nhà hàng, thưa Ngàỉ"
Tôi nói: "Tao thích ngay tại đâỵ..", và đấm anh ta một cái. Anh ta né rồi phản công bằng một cú móc tay trái vào hàm tôị... Các bạn thân mến, đó là lần đầu tiên trong cái đêm nghiệt ngã đó anh ta đã không hỏi tôi thích bị đấm ở đâụ..Tôi cháng váng ngã xuống ghế trong khi các người khác tới kéo anh hầu bàn đó ra.
Tôi có cảm giác ai đó nới lỏng cà vạt tôi ra, mở nút áo cổ và vả nhẹ vào mặt tôi... Khi tôi hoàn tỉnh, tôi thấy trước mặt tôi là gương mặt lo âu của viên phụ trách các tên hầu bàn đêm đó... Ông ta xin lỗi ráo riết và đề nghị mua nước uống cho tôi, gọi y tá hay bất cứ cái gì tôi muốn...
Tôi lúng túng nói: "Không, không ... đừng gọi ai đến hết....cho tôi ly nước là được rồị..
"Vâng thưa Ngài, có ngay", ông ta hớn hở đáp lại sự đòi hỏi quá dễ thực hiện của tôị...
Và ông ta tiếp: "Ngài thích nước suối nhập cảng, nước soda, nước chanh hay nước lọc.?
**phỏng dịch từ "Waiter from Hell" của GENE PERRET**
Hien Quang
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Kiếm Sắc

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Trong số người gần gũi với Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Ðặng Phú Lân.
Lân quê ở Hưng Hóa, cha là Ðặng Phú Bình, trước là thuộc tướng của Trịnh Bồng. Bình tính ngang tàng, võ công thâm hậu, thấy chúa Trịnh hèn mà cách xử thế keo kiệt, không xứng đáng với bậc vương giả nên bỏ Trịnh Bồng vào Ðàng Trong. Khi Tây Sơn nổi lên, Bình theo Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc không tin Bình, cho Bình là dân Bắc Hà trí xảo, không trung tín. Nhạc chỉ cho Bình làm một chức quan võ nhỏ ở vùng sơn cước mãi tây Bình Thuận. Bình bất đắc chí, suốt ngày uống rượu, nhiều khi say quá, cứ trông về phía trời Bắc mà khóc hu hu. Lân can thế nào cũng không được. Về sau Bình ngã nước, râu tóc rụng hết, gầy tọp đi, da vàng như nghệ, chỉ nằm chờ chết. Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp. Trước khi chết, Bình trao thanh kiếm lại cho Lân, bảo rằng: "Con ơi, nước đang có loạn. Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre. Nhưng ta thấy sức chơi của bọn người này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gÁnh vác giang sơn sao được ? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Ðịnh có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem". Lân khóc, mắt chảy có máu. Bình giãy mấy cái, mồ hôi toát đầm đìa, người cứ lạnh dần rồi chết. Lân lấy kiếm đào huyệt chôn cha; tìm đường vào Gia Ðịnh theo Nguyễn Phúc Ánh. Lúc bấy giờ Lân mới hai mươi tám tuổi.
Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Ðịnh tìm cách lật đổ Tây Sơn, khi này thế đã mạnh. Ánh là người đa mưu túc kế, tính kiên trì, không tin ai, dùng người lấy chữ "hiệp", chữ "lễ" làm trọng, không coi "nhân", "nghĩa", "trí", "tín" ra gì. Thỉnh thoảng, Ánh vào trong đất Thuận Quảng, xuất quỷ nhập thần. Người Ðàng Trong sợ Ánh hơn là thích Ánh. Ánh đi đến đâu nghe nói cũng có mây đen cuồn cuộn bay đằng trước, dân cư thấy có mưa là biết Ánh vừa đi qua.
Lân gặp Ánh. Ánh thấy Lân khôi ngô, ăn nói khoan hòa mà thủ đoạn táo bạo thì thích lắm, cho ở luôn bên mình. Một lần thuyền Ánh qua cửa Tiền Giang, có bốn người đi theo, trong đó có Lân. Bấy giờ có con cá sấu rất to cứ bơi theo, đuổi thế nào cũng không được. Mọi người lo sợ, thấy phải có người nhảy xuống làm mồi cho cá sấu thì mới thoát.
Ánh hỏi: "Ai vì nước Việt mà chết ?"
Ba người kia tình nguyện chết, chỉ có Lân ngồi im. Ánh trừng mắt hỏi Lân:
"Trượng phu quý mạng sống thế à ?"
Lân chắp tay: "Chúa công đừng giận. Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người !"
Nói rồi nhặt hòn đá ở mạn thuyền ném con vịt giời bay qua. Vịt giời rơi xuống nước, cá sấu thấy vậy vội bỏ thuyền lao đến chỗ vịt giời. Ánh cười ha hả bảo rằng: "Thế này thì nghiệp ta thế nào Trời cũng cho thành".
Ánh đi đâu cũng cho Lân đi theo, cũng nhiều khi Ánh xem ý Lân để liệu xử thế với người, lần nào cũng trúng. Có lần, lúc này thế Ánh như diều gặp gió, trước Tết Nguyên đán, các tướng lĩnh, các nhà hào phú quanh vùng, cả dân chúng Gia Ðịnh nữa cũng mang lễ vật đến mừng, Ánh cho Lân ra nhận lễ vật. Lân ra nhận, cho ráo vào cả một kho. Khách đến chúc mừng Ánh, chỉ đi chân tay không mà vào. Bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ TÁnh thấy lễ vật của mình cũng bị xếp cùng với lễ vật những người khác thì căm tức. Bọn này phàn nàn với Ánh, ý trách Ánh để tả hữu coi thường mình. Ánh cười bảo rằng: "Lân là người có văn, có võ, lại cương trực, trung thành với chủ, cứ để hắn khu xử. Hắn có cách khu xử của hắn. Những người gần ta không phải kẻ tầm thường đâu".
Sáng mồng một, lập đàn tế thần, Ánh cho Lân đứng ra chia lộc thÁnh. Lân chia phần đều ai cũng như ai, mọi người rất hớn hở. Sau việc này, Ánh hỏi Lân, Lân đáp: "Nghiệp chúa công chưa thành, thế mà đã có kẻ dâng lễ vật nhiều, dâng lễ vật ít. Biết lễ vật của từng người, chúa công sau này dùng họ khó." Ánh bảo: "Phải !" Lân lại nói: "Việc chia phần đều nhau là để ai cũng thấy mình phải cố gắng". Ánh bảo: "Cũng phải". Ngồi một lúc Ánh nói: "Chỉ e ngươi căn cơ quá chăng ?" Lân đáp: "Ðầy tớ không căn cơ có hại cho chủ". Ánh bảo: "Ngươi là dân Bắc Hà; Ngươi không hiểu dân Ðàng Trong như ta được. Ngươi tưởng làm thế là chu toàn, nhưng bậc vương giả thích sự tiện lợi hơn cả". Lân bảo: "Chúa công nói phải, căn cơ chỉ hợp với bần tiện, nhưng đất của Chúa công bây giờ nhiều hơn đất của Tây Sơn hay của Tây Sơn nhiều hơn ?" Ánh cau mày đáp: "Ta chỉ vỏn vẹn có ba thước đất chôn thây thôi". Lân bảo: "Không phải thế. Chúa công được lòng trời đất, chỉ cần Chúa công thành tâm". Ánh ngồi im, lát sau lại hỏi: "Nhạc không nói làm gì. Lữ không nói làm gì. Huệ có cách gì mà giỏi giang thế ?" Lân đáp: "Huệ giỏi dùng người tài nhưng không giỏi dùng người thường. Chúa công khác Huệ". Ánh ngồi im không nói năng gì.
Khi Nguyễn Huệ chết, con trai là Nguyễn Quang Toản lên ngôi, Tây Sơn năm bè bảy mối. Ánh mừng lắm sai mở tiệc mừng. Lân đứng ra can: "Chúa công đừng làm thế, dân chúng nhìn vào không cho ta là người đại lượng". Ánh bảo: "Huệ coi ta là quốc thù, hịch truyền khắp nơi, lời lẽ bẩn thỉu lắm. Ta với Huệ không đội trời chung. Nó chết ta cười cũng không được ư ?" Lân đáp: "Huệ không có tội gì, chỉ là một người tài, bị trời hành, cũng như Chúa công vậy. Nhưng lực lượng của Huệ không được hưởng phúc lâu dài, thế là Huệ dăm bảy đường thiệt. Ta lấy lộc của kẻ được hưởng phúc trời mà cư xử, trời thấy ta phải, người cũng thấy ta phải". Ánh nghe Lân nhưng nghiến răng nói: "Khi nào ta thành nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó". Lân bảo: "Chẳng lâu đâu, Chúa công cứ nhịn cười, lúc ấy cười một thể". Quả nhiên sau này khi Ánh chiếm Thăng Long, thống nhất giang sơn, Ánh trả thù Tây Sơn rất thảm khốc.
Khi Ánh chiếm Phú Xuân, cướp được một ca nữ xinh đẹp lạ lùng, tên là Ngô Thị Vinh Hoa, vừa tròn mười tám tuổi. Vinh Hoa hát hay, đàn giỏi, điệu bộ rất duyên dáng. Một đêm, Ánh hứng khởi, sai Lân đưa Vinh Hoa vào bày tiệc, ngồi nghe hát. Lân bảo: "Hát bài Triều Thiên Tử". Vinh Hoa ôm đàn hát:
Kìa xanh xanh
Mấy nụ non
Mấy lá non
Nhờ mưa xuân mang sữa cho
Nhờ gió xuân mang khí thổ cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Càng lớn, nhan sắc càng mỹ miều
Càng lớn, phẩm hạnh càng thanh sạch
Càng lớn, càng cả thẹn
Thơ nào tả được vẻ đẹp này
Bút nào vẽ được ý tứ này
Ai tương tư mà chau mày
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời cho
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim.
Ánh vỗ tay reo: "Hát hay quá". Lân lại bảo:" Hát bài Tình Sông Núi". Vinh Hoa ôm đàn hát:
Kìa núi cao cao
Kìa sông xanh xanh
Núi do đâu mà ra
Sông do đâu mà ra
Tráng sĩ xa nhà
Lặn lội trên đường
Nơi cố hương
Mẹ già bạc đầu
Gái quý đêm nằm trằn trọc
Lấy gì trả nghĩa tình
Uống chén rượu sầu
Mời núi cao một chén
Lạy thiên tử ba lạy
Chẳng quên tình sông núi
Chỉ thương tình mẹ già với người đẹp phương xa.
Ánh cau mày: "Hát hay nhưng buồn quá". Vinh Hoa quì xuống lạy: "Tiện thiếp làm rầu lòng người trời". Lân đỡ dậy, bảo rằng: "Người chớ lo, Chúa công lòng rộng, những thứ tình cảm sướt mướt của bọn người thường không hợp với Chúa công đâu". Nói xong, Lân sụp xuống lạy Ánh: "Ngày mai Chúa công ra trận vui thú ít thôi, cần nghỉ ngơi". Ánh thở dài đứng lên: "Cũng phải ngươi ép ta, đến nay là chín năm rồi, ta còn nhớ. Từ khi ngươi cắp gươm hầu ta, ăn ngủ cũng phải tính giờ. Xưa kia ta đâu phải vậy ?" Lân đáp: "Chúa công chịu mệnh trời, gÁnh nặng hơn người". Ánh bảo: "Ta chỉ thích như người thường thôi !" Tuy nói thế nhưng cũng rũ áo vào trướng. Vinh Hoa ôm đàn lui ra. Hôm sau, Ánh bảo Lân: "Ta đi mà cứ văng vẳng tiếng hát ca nữ bên tai, tiếng gió thổi, tiếng gươm dao không át được". Lân bảo: "Chúa công còn nhiều cơ hội nghe hát, nhưng cơ hội diệt Tây Sơn chỉ có một".
Ánh họp các tướng, bàn kế hoạch đánh ra Thăng Long. Lê Văn Duyệt tâu: "Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho cờ của ta đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi". Ánh bảo: "Không được. Ta ủy mệnh trời, cần gì mua chuộc ai ? Ta đến đâu, đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được". Quan tướng ai cũng thấy phải, ngồi yên lặng cả.
Ðêm ấy Ánh thao thức không ngủ được, gọi Lân đến bảo múa kiếm cho xem. Lân cầm thanh kiếm gia truyền, múa loang loáng, nghe như có gió thổi bốn bề. Ánh nhìn toát cả mồ hôi, đoạn bảo đưa kiếm cho xem. Ánh cầm thanh kiếm hai tay, phát đứt một cây hoa dại vòng gốc như cột nhà mà chỉ bằng một nhát. Nhựa cây phun ra như máu trắng. Ánh hỏi: "Kiếm của ngươi sao sắc bén vậy ?" Lân bảo: "Ðây là kiếm thần, không rõ xuất xứ, tổ phụ truyền lại". Ánh hỏi: "Sao bây giờ ta mới thấy nó ?" Lân bảo: "Trước Chúa công chỉ thấy đầu rơi dưới kiếm, bây giờ mới nhìn rõ kiếm. Thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó". Ánh cầm thanh kiếm không muốn rời tay.
Ánh hỏi: "Trưa nay khi nói việc ta muốn chôn danh sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt ?" Lân tâu: "Lân là người Bắc Hà nên tủi phận mình sợ cho mình". Ánh bảo: "Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồn hèn mọn cả". Lân bảo: "Ða số như thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công". Ánh bảo: "Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm". Lân bảo: "Thế là chúa công vẫn quen dùng người thường, ở bậc cao nhân còn gì còn chuyện vô đạo, hữu đạo ? Tâm ở sự thành, đâu phải ở lòng ? Chúng không chịu hiểu là lỗi ở chúng. Ðã ai hiểu việc chúa công dùng Bá Ða Lộc, dùng người ngoại quốc ? Chúc công còn phải mang tiếng ba trăm năm". Ánh lo sợ nói: "Phải làm sao ?" Lân bảo: "Chẳng làm sao được, nhưng bên cạnh chúa công có vài người như Ngô Thì Nhậm thì không sao cả".
Ánh bảo: "Ta muốn cho ngươi đi trước, chiêu mộ đôi ba người, thế là công to lắm". Lân sụp lạy: "Ðược thế còn gì bằng, Lân cũng không thẹn mặt với nơi sinh ra mình". Ánh bảo: "Ta giữ thanh kiếm này để khi ngươi quay về, có tin hay, ta có cớ mà khen thêm. Còn không được việc, ta có linh khí mà trừng phạt". Lân tái mặt nhưng đành phải chịu.
ít bữa sau, Lân cãi trang, giắt theo ít vàng bạc, tìm đường ra Bắc Hà. Lúc này Bắc Hà nhốn nháo lắm, triều đình Tây Sơn như trứng để đầu đẳng. Bọn tướng của Tây Sơn tranh giành nhau, chẳng còn biết giữ gìn tiếng tăm nữa. Lân thân cô, thế cô, lang thang đây đó, đi khắp nơi tìm người tài giỏi nhưng không thấy ai ưng ý.
Một hôm, Lân vào nghỉ ở một quán trọ ven đường, thấy có một người cốt cách hiền lành, dáng điệu bồn chồn đang ngồi uống nước chè suông. Hai người nói chuyện. Lân ngạc nhiên thấy người này trong trẻo lạ thường, tâm hồn sạch như nước ở suối ra. Lân cố mời rượu, người này chỉ uống một tí đã đỏ mặt. Con gái chủ quán rất xinh đứng ra hầu rượu. Người trẻ tuổi bảo: "Khách ở nơi xa đến, mệt mỏi vì công danh không đâu, chưa biết thế nào là đường đi lối lại, cô Cầm hát một bài cho nghe đi". Lân thoáng ngạc nhiên, rồi bình tâm lại, vật nài mãi, cô con gái chủ quán bèn ôm đàn ra đưa cho người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi gảy đàn, cốt cách rất ư thanh lịch. Cô con gái chủ quán hát:
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Nhờ mưa mang sữa cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Ai hái cũng phí
Nhan sắc mỹ miều cũng qua thôi
Phẩm hạnh thanh sạch cũng nhạt thôi
Càng lớn càng cả thẹn
Cố tả được vẻ đẹp này
Gắng vẽ được ý tứ này
Ai tương tư cho rầu lòng
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời buộc
Cô quạnh vì nàng
Ta đi săn, đi câu
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim
Bao giờ bốc mộ
Nhỏ cho một giọt nước mắt
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Lân nghe xong, thở dài trào máu ra từ ngũ khiếu. Lân kêu to: "Trời hỡi trời, sao giống bài Triều Thiên Tử vậy ?" Cô con gái chủ quán cười cười chỉ tay vào người trẻ tuổi: "Bài này không có tên, do người này làm ra, chỉ để riêng cho Cầm hát". Lân thở dài nói: "Bài hát hay quá, thật Lân này chưa biết thế nào là đường đi lối lại". Nói rồi Lân cáo từ vào trong nằm nghỉ. Hôm sau Lân dậy sớm, bỏ đi không chào chủ quán, cũng không hỏi người khách trẻ tuổi với cô Cầm, con gái chủ quán.
Khi Lân đến được Thăng Long thì Nguyễn Ánh đã vào thành rồi. Quân Ánh đi như nước lụt, Lân như cÁnh bèo bị sóng cuốn trôi. Thâm tâm Lân cũng chẳng biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động.
Lân gặp Ánh xin chịu tội vì không làm được việc. Ánh ngồi trên ngai vàng, tả hữu gươm giáo sáng quắc hai bên. Lân tự trói mình, quì xuống sân rồng. Ánh bảo: "Ngươi theo hầu ta thế là chín năm một trăm ngày. Chín năm không làm hỏng việc gì, còn một trăm ngày thì hỏng việc, vô tích sự. Thế là trèo lên cây mà không hái được quả, đáng tội chết". Lân không nói năng gì, vươn cổ ra chịu chém. Nghe nói Nguyễn Ánh đã sai đao phủ dùng thanh kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân. Khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại.
Ðoạn Kết
Tôi, người viết truyện này, gần đây lên Ðà Bắc, đến Tu Lý ở trong nhà một người Mường. Chủ nhà tên là Quách Ngọc Minh có cho xem bài vị thờ tổ tiên. Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông Quách Ngọc Minh cho biết tổ tiên ông là người Kinh. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông tên là Ðặng Phú Lân, có vợ tên là Ngô Thị Vinh Hoa vốn là một ca nữ. Lân và Hoa trốn vua lên Ðà Bắc, giả làm người Mường, về sau lập trại, sinh con đẻ cái ở đây. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông sinh thời từng gặp Nguyễn Du, tác giả cuốn Ðoạn Trường Tân Thanh nổi tiếng. Tôi còn được con gái ông Quách Ngọc Minh tên là Quách Thị Trinh hát cho nghe một bài hát xưa, lời lẽ rất thanh tao về những chồi cây xanh.
Viết truyện ngắn này, tôi muốn để tặng gia đình ông Quách Ngọc Minh để cám ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng tôi. Tôi cũng xin cảm ơn một số nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quen biết đã giúp tôi sưu tầm chỉnh lý những tư liệu cần thiết cho công việc viết văn, vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa của tôi...
-- Nguyễn Huy Thiệp, Hà Nội 1988
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Có một chuyện tình như thế

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Bấy giờ là đầu xuân 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào thời kỳ quyết liệt. Sư đoàn của anh Tục vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở cánh đồng Chum, đánh bại bốn mươi tám tiểu đoàn địch ở cao nguyên này.
Song ở mặt trận Quảng Trị, địch đang tập trung lực lượng phản công lại ta, sư đoàn của anh lại nhận lệnh gấp rút về nước, dàn đội hình sẵn ở miền Trung…
Anh Tục lúc đó là trợ lý chính sách trung đoàn. Suốt ngày bên anh là những chồng giấy tờ, sổ sách liệt sĩ, thương binh. Công việc cần yên tĩnh, nên anhđược xếp ở một nhà chỉ có hai người: Cụ Tích, ngày xưa dạy chữ Hán, đã gần tám mươi và Thắm, cô con dâu cụ, ba mươi tuổi. Chồng cô hy sinh ở chiến trường phía Nam và ba năm trước đây, địa phương đã làm lễ truy điệu. Một sớm tinh mơ, cụ Tích gọi:
- Anh Tục dậy chưa? Hôm nay anh có phải lên cấp trên họp không?
- Dạ chiều nay cháu ở nhà.
Cụ Tích liền quay về phía buồng con dâu:
- Thắm ơi, ra đây cha nói: Hôm nay mười bốn, ngày Giáp Thìn, con nhốt con gà trống hoa mơ, chiều làm lưng cơm cha mời anh Tục…
Tục sững người. Chuyện gì mà khác thường vậy. Hay trong ăn ở anh có điều gì không phải? Không! Rõ ràng mấy ngày ở đây, xem ra cụ quý và hợp với anh lắm. Còn cô Thắm, kém anh một hai tuổi, anh vẫn coi như đứa em gái.
Khoảng chiều tối hôm đó, cơm đã làm xong, cụ Tích giục Thắm đưa đồ cúng lên bàn thờ. Đoạn như đã sắp đặt từ trước , cụ lấy áo chùng đen mặc vào, thong thả đội khăn xếp, rút ra ba nén hương thắp lên bàn thờ - trên đó có ảnh đứa con trai cụ, rồi gọi:
- Thắm ơi, con lên đây. Không nhìn Thắm cụ như nói với mình, lạy vong linh chồng con đi. Thôi sự đời đã vậy…
Thắm như nhánh cây héo dựa vào cụ Tích. Cô chắp hai tay giơ lên rồi hạ xuống, nước mắt chảy dàn dụa, rồi cô chợt bật lên nức nở và dứt khỏi cha, lao vào buồng! Chiếc giường tre trong đó rung lên từng chập, rồi bặt đi, im ắng đến ghê sợ.
- Anh Tục, anh giúp tôi đặt mâm cơm đi…
Chiếc mâm gỗ được đặt chính giữa chiếu. Nửa chiếu bên kia, cụ Tích đằng hắng mấy tiếng, rồi chằm chằm nhìn Tục:
- Tôi coi anh như thằng Thạch, đứa con độc nhất của tôi mất. Tôi xin thưa với anh một điều… Giọng ông cụ bỗng hẫng như người đi đêm bước hụt. Hai tai Tục rực lên như ai hơ lửa, tim anh bỗng nghẹn chặt. Cụ Tích trở lại điềm tĩnh, nói từng tiếng rành rọt:
- Anh Tục à! Hãy thương tôi… thương em… để con Thắm có một đứa con… và tôi có cháu. Thế là mọi chuyện gia đình tôi sẽ ổn. Tôi xin ghi tạc ơn anh…
Tục đánh rơi chiếc chén xuống nhà. Một tiếng “chát” khô khốc, hai tai anh ù đi, toàn thân như điện giật. Còn cụ Tích lại như người đang nặng, đặt được gánh:
- Anh làm vì chữ “tâm”. Tôi đã nói chuyện với em rồi. Thôi thì tất cả cũng vì chiến tranh, vì nghĩa lớn.
Tục đưa cả hai tay về phía cụ, cuống quýt:
- Thưa cụ, cụ tha thứ cho con. Con không thể… Con đã có gia đình!
- Tôi có xui anh bỏ vợ đâu!
- Con là một cán bộ… là…
- Anh sợ liên luỵ đến anh chăng? hừ, nhiều lắm anh ở đây được chục hôm là cùng. Mà chưa biết chừng chỉ vài hôm nữa, lệnh bất thần, anh lại vào nơi bom đạn.
Trong buồng, Thắm vẫn khóc. Hai ngày nay, cụ Tích đã nói với cô hết lời. Cha mẹ mất sớm, Thắm cũng không có anh em. Mười năm nay, đúng như Thắm lại được sống với cha đẻ. Từ ngày về làm dâu, Thắm được cụ thương, cụ chiều đến mức chưa một lời quở trách. Thắm thương nhớ Thạch bao nhiêu thì thương cụ bấy nhiêu. Cô đã nhủ: Mình sẽ ở với cha đến xế chiều mãn bóng. Trời ơi! Nhưng làm sao lại có chuyện hôm nay. Những lời cụ cứ như lưỡi dao bén sắc, từng nhát bập ngang thân chuối: “ Con phải có một đứa con, cha cần có một đứa cháu, chỉ có thế cha mới yên lòng. Cha để ý đến anh Tục, con người phúc hậu, nhân nghĩa. Nếu trời có mắt, dòng máu ấy xứng đáng bước vào nhà ta, kế tự dòng họ này…”.
Ngoài sân cụ Tích vẫn nói:
- Việc khuyên em đi bước nữa, tôi đã cạn lời với nó. Người chết thì chết rồi, không có lý gì kéo thêm người khác phải sống cũng như chết, nhưng nó nhất quyết không nghe! Thật là cờ hết nước. Tôi đã tính chỉ còn con đường mình chết đi mới nhẹ gánh cho con… Thôi bây giờ anh cho tôi được tạ anh một vái để bày tỏ lòng tôi.
Vừa dứt lời, cụ sụp xuống chiếu. Tục giữ tay cụ, miệng hổn hển: Cụ ơi, con lạy cụ, con không thể.
Cụ Tích khựng người như chạm phải lửa, hai mắt sáng quắc:
- Sao? Anh bỏ ngoài tai tiếng kêu của cha con tôi từ tối đến giờ sao?
Tục chạy bổ ra ngõ, chân tay bải hoải, miệng đắng ngắt. Câu chuyện bất thần dội xuống đầu anh còn dữ hơn trăm lần bị pháo, bị bom. Thật khổ cho cụ, khổ cho Thắm và cũng khổ cho anh…
Trong lúc Tục còn đang bối rối, thì trong ngôi nhà kia đã tiếp diễn một chuyện dữ dội khác: Cụ Tích thắp thêm một tuần hương, rồi rón rén bước ra phía cầu ao. Cụ không muốn chết ươn hèn, nhưng không thể sống nhục. Cụ không còn mặt mũi nào để thấy anh Tục, mà cũng chẳng còn nỗi ê chề nào hơn cụ đã đưa Thắm đến chỗ bẽ bàng. Thôi, cụ đi. Sách tốt nhất là làm cho mọi người nghĩ đêm tối cụ sểnh chân ngã xuống ao bèo…
Tục đứng lặng ở đầu ngõ một lúc, chợt linh tính như báo anh một điều gì đó không ổn, anh vội vàng vào nhà. Không thấy cụ, Tục hốt hoảng đập cửa buồng. Thắm bật dậy, hai người lao ra phía cầu ao.
Cụ Tích đã uống no nước. Tục xốc ngược cụ lên vai, chạy đủ ba vòng sân, rồi bình tĩnh làm những động tác cấp cứu. Cụ dần dần hồi tỉnh. Tục chạy đến, hai tay nâng đầu cụ. Ông cụ xua tay chối từ và đăm đắm nhìn Thắm:
- Nín đi con!
Cụ quay nhìn Tục, chậm rãi từng tiếng:
- Anh Tục, anh không nghe lời thỉnh cầu của tôi, sao còn cản tôi?
- Dạ thưa cụ, con có lỗi. Xin cụ tha thứ.
- Anh không cản được tôi đâu. Tôi đã quyết. Tôi đi rồi, chỉ xin anh đừng để ai biết chuyện… Tủi cho con Thắm!
Hai giọt nước mắt trào ra từ hai hốc mắt đen sọm của cụ. Thắm oà lên, ôm chặt cha. Tiếng nấc nghẹn rồi lặng đi từng cơn như trăm ngàn mảnh chai vụn lặn vào lòng Tục. Anh xin cụ Tích thắp một tuần hương khấn vong linh người đã khuất và xin cụ được trò chuyện với Thắm ở ngoài sân. Anh đứng tựa gốc cau đầu bếp, lòng như khoảng trời không nắng, không gió, không bóng đêm, không mảy may sự sống. Còn Thắm dém màn cho cha xong, cô vẫn gắn chặt mình xuống mép sập. Giục đến lần thứ ba, vẫn thấy Thắm ở bên, cụ Tích nhỏm dậy dằn giọng nhắc lần nữa, Thắm mới đứng dậy bưng mặt ra cửa, song lại chạy quặt ra phía cầu ao. Tục hốt hoảng lao theo:
- Thắm!
Anh giật Thắm lại. Cô như không đứng nổi nữa, ngã vào anh, tiếng nấc rung lên dưới vòm ngực căng tròn. Ôm Thắm vào vòng tay, niềm thương cảm xót xa trào lên như những đợt sóng. Anh cứ đứng như thế, từng giọt, từng giọt nước mắt nóng hổi của Thắm thấm vào ngực anh, và tim anh . Bất chợt hình ảnh Vang, vợ anh lướt đến. Anh cắn chặt môi: Anh có lỗi không? Không, anh không có lỗi với Vang. Tình thế này, hỏi anh có cách nào khác. Từ mớ tóc rối bời của Thắm toả ra mùi lá sả nồng nàn ngây ngất như chất men ngọt ngào cứ thấm dần vào anh, khiến anh rạo rực đến nghẹt thở. Anh ghé sát cô, giọng hổn hển:
- Thắm, Thắm!
- Dạ!
Tục thở dốc. Anh cúi xuống chạm môi vào môi Thắm. Cả hai người rùng mình, trời đất bỗng ngả nghiêng, quay cuồng…
… Đêm ấy, họ đã nói với nhau bao nhiêu chuyện về mình. Không có câu chuyện nào dài đến thế. Rồi cả hai đều khóc. Cũng đêm hôm ấy, chỉ có đêm hôm ấy thôi, vì hôm sau đơn vị Tục hành quân, Tục đã để lại trong ngôi nhà bên dòng sông Lam đó một phần đời đẹp đẽ của mình.
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Khúc quanh lãng mạn

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Tôi làm việc trong phòng gửi đồ ở nhà ga Union. Từ nơi này, tôi có thể trông thấy mọi người lên xuống cầu thang nhà ga.
ở phía bên trái tôi là quầy tạp chí của Tony. Cậu này lúc nào cũng huyên thuyên với tôi về định luật xác suất, chả là vì cậu ta rất mê đánh cá ngựa. Tony đã tính cho tôi rằng nếu tôi tiếp tục công việc ở phòng gửi đồ này trong 112 năm nữa thì chắc chắn tôi sẽ thấy được tất cả mọi con người trên thế giới!
Rốt cuộc thì tôi cũng dần dần tin vào cái định luật xác suất này. Nó cũng có vẻ hay đấy chứ! Bạn nên biết rằng Union là một nhà ga rất lớn, và tôi sẵn sàng cá với bạn là rồi tất cả mọi người đều phải bước ngang qua nhà ga này, ít nhất một lần trong đời.
Tôi kể về định luật xác suất này cho rất nhiều người, nhưng tất thảy họ đều cười vào mũi tôi, trừ Harry. Harry đến từ một tỉnh nhỏ hồi ba năm trước đây và kể từ đó, tôi thấy ngày nào Harry cũng đứng đợi ở đầu cầu thang nhà ga để đón chuyến tàu 9g05 phút.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp Harry thì đó chỉ là một anh chàng nhỏ nhắn và khuôn mặt đầy vẻ bồi hồi, xúc động và lo lắng. Harry ăn vận bảnh bao lắm, và tôi biết được rằng Harry đã có người yêu, họ sẽ đi đăng ký kết hôn khi cô gái đến. Tôi chẳng cần phải giải thích cho bạn biết rằng tại sao tôi rõ mọi chuyện như thế, bởi nếu bạn ngày nào cũng đứng ở đầu cầu thang quan sát những người chờ đợi thì bạn sẽ biết ngay thôi.
Hôm ấy, khi chuyến tàu 9g05 phút đến, tôi bận bịu với công việc của mình nên quên khuấy Harry. Tôi không nhìn về phía cầu thang nữa cho đến khi tiếng còi của chuyến tàu 9g18 phút sắp đến vang lên. Tôi quay ra nhìn và hết sức ngạc nhiên khi thấy Harry vẫn còn đứng đó.
Rồi cô gái - người yêu của Harry cũng không đến trên chuyến tàu 9h18 phút, trên chuyến tàu 9g40 phút cũng chẳng hề thấy cô ấy. Và khi tất cả hành khách của chuyến 10g02 phút đã khuất sau cầu thang, khuôn mặt Harry bắt đầu trở nên tuyệt vọng. Cậu ta bước đến ô cửa của tôi, đứng ở đó trông thật khổ sở. Tôi bèn gọi Harry lại và hỏi Harry về hình dáng của cô gái ấy.
Cậu ta bắt đầu tả: "Cô ấy thấp bé và có mái tóc đen, 19 tuổi, bước đi rất nhẹ nhàng. Khuôn mặt cô ấy - cậu ta suy nghĩ một phút rồi nói tiếp - đầy vẻ sống động, nhiệt tình. Cô ấy có thể đùa giỡn với tôi chút ít, nhưng tôi biết là cô ấy không bao giờ đùa dai như thế. Đôi mày của cô ấy rất dài, chụm lại thành một điểm ở giữa. Cô ấy có một cái áo lông thú màu nâu, nhưng có thể không mặc áo ấy ngày hôm nay".
Tôi rà xét lại trong trí nhớ của mình nhưng không thể nhớ được là có từng gặp một cô gái nào như thế hay chưa.
Harry đưa cho tôi xem bức điện tín mà cậu ta đã nhận được: "Đến vào ngày thứ Ba. Đón em ở ga. Yêu yêu yêu yêu - May của anh". Bức điện May gửi đi từ Omaha, Nebraska.
"Ô", cuối cùng tôi đành phải bảo cậu ta, "Sao chú không gọi đến nhà cô ấy? Điện thoại ấy?" - "Tôi chỉ vừa đến đây có hai ngày. Tụi tôi sẽ gặp nhau ở đây và cùng nhau xuống miền Nam kiếm việc làm", Harry đưa mắt yếu ớt nhìn tôi, "Cô ấy - May ấy, không cho tôi biết địa chỉ nào đâu, cô ấy vẫn đùa như thế đấy. May không còn ở nhà bố mẹ cô ấy nữa".
Rồi cầm bức điện, Harry lại thất thểu bước đến đầu cầu thang, đợi chuyến tàu 11g22 phút.
Ngày kế tiếp, dù bận rộn với công việc, tôi vẫn trông thấy Harry đứng đợi ở đó. Khi thấy tôi đã rỗi rảnh, cậu ta bước tới chỗ tôi.
Tôi hỏi" "Cô ấy có đi làm ở đâu không?"
Harry gật đầu: "Cô ấy là thư ký đánh máy. Tôi cũng đã điện thoại cho ông chủ cũ của cô ấy. Và tất cả mọi ngưòi ni làm việc của May đều đã biết rằng May nghỉ làm để đi lấy chồng".
à, thì ra câu chuyện bắt đầu là đây. Harry đón mọi chuyến tàu đến trong ba, bốn ngày kế tiếp. Tôi có thể nghĩ rằng cái cô May đó đã chơi khăm chàng Harry tội nghiệp, chẳng chuyến nào đến mà có mặt cô ta. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng không bao giờ tin điều đó.
Khoảng hai tuần sau, tôi bắt đầu kể cho Harry nghe về định luật xác suất của mình. Tôi bảo với Harry: "Nếu cậu chịu đợi đến một thời gian dài nhất định nào đó, định luật xác suất sẽ cho cậu thấy May bước lên cầu thang này, một ngày - ngày ấy rồi cũng sẽ đến thôi". Harry vẫn nhìn chăm chú vào cái cầu thang như thể chưa hề trông thấy bao giờ, trong khi tôi tiếp tục giảng giải về những con số của Tony trong định luật xác suất.
Ngày kế tiếp, khi tôi đến chỗ làm của mình thì đã thấy Harry đứng sau quầy tạp chí của Tony và cậu ta nói: "Anh nghĩ xem, tôi cần kiếm một việc làm ở chỗ này chứ, đúng không?".
Sau đó, Harry làm thư ký, chạy vặt cho Tony. Chúng tôi không hề nhắc đến May và cái định luật xác suất đó nữa. Nhưng tôi để ý thấy rằng Harry luôn quan sát tất cả mọi người lên xuống cầu thang nhà ga.
Vào khoảng cuối năm, vợ chồng Tony chuyển đi nơi khác sinh sống và bán lại quầy tạp chí cho Harry. Harry mượn tiền để đặt thêm một tủ bán sô-đa, nước ngọt. Chẳng mấy chốc Harry đã có một cơ ngơi kinh doanh nho nhỏ và tôi phục cậu ta sát đất về điều này.
Cho đến ngày hôm qua. Tôi đột nhiên nghe một tiếng la thật lớn và tiếp theo đó là tiếng hàng loạt đồ đạc rơi đổ. Tiếng la là của Harry. Harry đã làm đổ nhiều búp bê và các thứ khác khi cố nhảy ra khỏi quầy. Cậu ta chạy ngang qua tôi và chụp lấy một cô gái thấp nhỏ. Cô ấy có mái tóc đen và đôi mày chụm lại thành một điểm ngay chính giữa.
Trong một lúc, họ đứng sứng nhìn nhau, họ khóc và cười, miệng thốt ra những lời vô nghĩa. Cô gái nói những từ đại khái như: "Em bảo đón em ở ga xe điện mà!". Harry hôn cô gái, rồi kể cho cô ta nghe rằng mình đã phải khổ sở như thế nào để chờ đợi cô trong suốt ba năm qua. Điều hiển nhiên đã xảy ra ba năm trước, đó là, May đã đến đây bằng xe điện, chứ không phải xe lửa, và trong bức điện tín, cô ấy muốn nói "ga xe điện" chứ không phải "ga xe lửa". May cũng đã đợi ở ga xe điện hết ngày này qua ngày khác. Cuối cùng, May xin được một chân đánh máy.
"Cái gì?" Harry hỏi. "Em đã làm việc ở đây trong suốt ba năm qua à?".
May gật đầu.
"Ôi trời đất ơi! Thế sao em không bao giờ bước xuống nhà ga này thế?" - Harry chỉ tay về phía quầy tạp chí của cậu ta - "Anh làm ở đây đấy. Quầy đó là của anh. Ngày nào anh cũng nhìn thấy mọi người lên xuống cầu thang".
Khuôn mặt May trông xanh nhợt hẳn đi. Cô ấy nhìn cái cầu thang và nói yếu ớt: "Em, em chưa từng bước lên cầu thang. Anh biết không, lúc đó em chỉ mới chân ướt chân ráo ra tỉnh để đi làm việc cho công ty. Ô Harry!". Rồi cô ấy choàng cánh tay qua cổ Harry và bắt đầu khóc thực sự.
Sau một phút, cô ấy lùi lại phía sau và chỉ tay một cách khó nhọc về phía cuối hướng bắc của nhà ga. "Harry, trong ba năm đằng đẵng, em đã làm việc trong chính cái nhà ga này, đánh máy trong văn phòng của ông giám đốc nhà ga".
Điều làm tôi thích thú nhất là cuối cùng, tôi cũng đã biết được rằng, định luật xác suất đã phải vận động như thế nào trong thời gian lâu chừng ấy, cho đến khi nó buộc được May bước lên cái cầu thang của nhà ga xe lửa...
Ngô Ngọc Hiếu
(dịch từ tập Modern short stories by American Authors)
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Hãy Luôn Luôn Nói Với Ba

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Jamie Buckingham (1932-1992)
Hoài Hương phỏng dịch
“Cuộc đời quá ngắn ngủi, tại sao chúng ta không biểu lộ những tình cảm chân thật trong lòng?”
Gia đình tôi vốn có chừng mực trong quan hệ cư xử. Chúng tôi ít khi thổ lộ tâm tình với nhau, ít khi ôm lấy nhau, và hầu như chẳng khi nào hôn nhau. Bọn đàn ông trong gia đình chúng tôi chỉ bắt tay nhau là cùng. Ba tôi dạy chúng tôi khi bắt tay thì phải xiết chặt và nhìn thẳng vào mắt đối phương.
Nhưng khi về già, ba tôi trở nên cởi mở hơn. Ông không còn mắc cỡ khi người khác bắt gặp ông đang khóc. Ông bắt đầu nắm tay mẹ tôi và hôn bà ngay trước mặt chúng tôi, điều mà chúng tôi chưa từng thấy ông làm khi còn trẻ. Đôi khi ba tôi còn choàng tay ôm lấy những người đàn bà khác, ngoài người vợ yêu quý của ông. Có lẽ người ta cho rằng ông lẩm cẩm, nhưng tôi thì nghĩ rằng ông chín chắn. Ba tôi có lần tâm sự với tôi rằng càng về già, ông càng nghiệm ra rằng cởi bỏ những gò bó về lễ giáo không có nghĩa là không đứng đắn. Cuộc đời quá ngắn ngủi, tại sao chúng ta không biểu lộ những tình cảm chân thật trong lòng?
Nhìn thấy ba tôi trở nên phóng khoáng hơn trong cử chỉ của ông, tôi cũng muốn bày tỏ tình thương của tôi đối với ba tôi bằng những phương thức có ý nghĩa hơn. Ấy vậy mà mỗi khi từ biệt ba tôi, thay vì cúi xuống hôn ông, tôi lại chìa tay ra. Tôi rất muốn nói với ba tôi mấy chữ “Con thương ba”, nhưng có cái gì ở trong cổ họng làm tôi tắt nghẹn, không thốt nên lời. Tôi không có đủ can đảm!
Cuối cùng, tôi không chịu đựng được nữa. Cái khái niệm phức tạp và méo mó của tôi về “đàn ông tính” khiến tôi bị giày vò không ngớt. Một buổi chiều Thứ Bảy nọ, tôi quyết định lái xe hàng mấy trăm dặm đường về thăm ba mẹ tôi. Bước vào thư phòng của ba tôi, tôi bắt gặp ông đang ngồi trên chiếc xe lăn, hí hoáy với cuốn sổ chi tiêu của ông.
- Thưa ba - tôi lên tiếng - con về đây với một mục đích duy nhất: con có mấy lời này muốn nói với ba, sau đó con muốn thực hiện một điều này nữa.
Tự nhiên, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi đã 46 tuổi đầu, chứ đâu phải là một đứa con nít! Nhưng nghĩ lại mấy trăm dặm đường mà tôi đã trải qua, tôi quyết định không lùi bước.
- Con thương ba lắm! Tôi nghẹn ngào nói.
Ba tôi đặt cây viết xuống bàn, đan hai tay để lên bụng, dịu dàng hỏi tôi:
- Con lái xe mấy trăm dặm đường về đây để nói với ba điều này sao? Con không cần thiết phải làm như vậy, nhưng dù sao ba cũng rất lấy làm an ủi.
- Bao nhiêu năm nay rồi, con đã muốn nói mấy lời này với ba, nhưng sao nói ra miệng thật là khó. Con thấy viết thư dễ hơn nhiều - tôi đáp.
Ba tôi trở nên đăm chiêu, rồi ông từ từ gật đầu.
- Còn một điều này nữa, thưa ba, tôi nói.
Ba tôi vẫn không ngẩng lên nhìn tôi, ông tiếp tục gật gù. Tôi cúi xuống hôn ông, trước hết lên má bên trái, rồi đến má bên phải, rồi sau cùng lên vầng trán của ông.
Ba tôi với hai cánh tay rắn chắc của ông nắm chặt cánh tay tôi, kéo tôi cúi xuống, rồi choàng tay ôm lấy cổ tôi. Hai cha con đứng lặng yên hồi lâu trong tư thế vụng về đó. Một lúc sau, ông buông tôi ra, và tôi đứng thẳng người lên. Mắt ba tôi ngấn lệ, môi ông run run:
- Ông nội con qua đời khi ba còn là một thanh niên. Sau đó không lâu, ba vào Đại học, rồi đi dạy học, rồi sang Pháp. Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất, ba trở về nước, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới về thăm bà nội. Lúc bà nội đã lớn tuổi, ba có mời bà về chung sống với gia đình mình.
Ông dừng lại, mỉm cười:
- Con có biết bà nội nói sao không? Bà nói: “Không, mẹ muốn ở nhà của mẹ, nhưng mẹ rất cám ơn con đã có ý mời mẹ sang ở chung. Và mặc dầu mẹ sẽ không bao giờ làm như vậy, mẹ mong rằng con sẽ cứ tiếp tục mời mẹ, cho đến ngày mẹ không còn trên cõi đời này.”
Ba tôi ngẩng lên nhìn tôi:
- Ba biết con thương ba, nhưng ba mong rằng con hãy luôn luôn nói với ba điều đó, cho đến ngày ba không còn trên cõi đời này.
Tôi có cảm giác như vừa quẳng đi một hòn đá nặng trĩu đè lên trái tim tôi bấy lâu nay. Tôi lái xe về nhà mà thấy lòng tràn ngập một cảm giác nhẹ nhàng, phấn chấn. Cuối cùng, tôi cũng đã tìm được sự phóng khoáng trong tâm hồn.
Hoài Hương
Virginia, 10/2001
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Người đàn ông không cười

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Bầu trời hiện ra xanh thẳm, gợi nhớ thứ đồ sứ tuyệt đẹp. Tôi nằm trên giường, đầu óc chỉ mãi theo dõi sắc nước trong dòng sông buổi sớm thay đổi ra sao.
Người diễn viên, đóng vai chính trong bộ phim của chúng tôi đúng mười ngày nữa phải trở về với công việc ở một nhà hát, do đó tuần tới phải quay thông tầm cả ngày lẫn đêm. Với tư cách tác giả kịch bản, trong khâu quay phim, tôi không có việc gì đáng kể. Nhưng sau những đêm không ngủ, môi tôi se lại, nứt nẻ và con mắt thì đau nhức bởi ánh sáng chói chang trên trường quay. Đêm qua, tôi lại trở về khách sạn khi mọi vì sao đã tắt hết trên nền trời; cố nhiên là người mệt mỏi vô hạn.
Nhưng sắc trời gợi nhớ tới chất đồ sứ tuyệt vời kia lập tức khiến lòng tôi dịu lại. Trong tâm trí tôi hiện lên những hình ảnh đẹp và rất nhiều bóng dáng yêu kiều. Trước tiên, tôi hình dung lại cái phố Xitdô đầy sức quyến rũ. ở đó tôi từng ngồi ăn ở khách sạn "Cơridăngtêma", gần chiếc cầu lớn. Qua khung cửa sổ tầng ba, tôi mãi ngắm màu xanh rực rỡ của cây cối trên đỉnh núi Higaxi. Cả ngọn núi như nằm trong lòng bàn tay. Cảnh tượng bình thường, nhưng do chỗ vừa từ Tokyô tới, tôi không khỏi kinh ngạc trước vẻ tươi tắn của đám lá non mới nhú. Rồi tôi nhớ tới những mặt nạ sân khấu treo ở một cửa hàng đồ cổ. Những mặt nạ cười, loại đã lâu đời lắm.
- Chết thật ! ý nghĩ hay đấy chứ !
Quá vui bởi một ý đồ sáng tạo nảy ra bất thần, tôi vớ ngay giấy bút và lia thật nhanh. Tóm lại là tôi muốn chữa lại cảnh cuối cùng trong kịch bản. Đánh dấu chấm hết vào cuối bản thảo xong, tôi thấy chưa yên, còn chua thêm một ít dòng để dặn riêng đạo diễn.
Cảnh cuối cùng trong bộ phim tôi viết theo lối ước lệ. Trong các khuôn hình ở phần kết này, các vai chính sẽ hiện ra trong những mặt nạ cười.
Viết về một thực tại hắc ám tôi đã cố nhiên, nhưng không sao điểm thêm vào trong phim được một ít nụ cười tươi tắn. May quá, bây giờ, ít ra là ở đoạn kết, hiện thực sẽ bớt nặng nề đi, các mặt nạ với nụ cười nhân hậu.
Cuộn bản thảo lại, tôi tính chuyện gửi nó tới xưởng. Trong phòng làm việc chẳng còn gì ngoài chồng báo xếp trên bàn.
Trước mắt tôi chỉ có người phụ nữ bán căng tin đang nhặt vỏ báo trước xưởng làm đạo cụ trang trí.
- Phiền bà chuyển hộ cái này tới tận tay đạo diễn ngay khi ông ta tỉnh dậy, - tôi nói thêm khi chuyển cho người đàn bà phong bì bản thảo.
Trong kịch bản này của tôi, hành động chính xảy ra tại một bệnh viện tâm thần. Nhưng sau nhiều ngày quan sát những cảnh quay cuộc sống của đám người mất trí, tôi đâm hoảng: nếu không tìm ra bằng được một ít tia sáng tươi vui nào đó để rọi vào câu chuyện tâm tối khủng khiếp này, bộ phim chắc chắn bị đổ. Nhưng một cái happy ending cần thiết không sao tìm nổi - đấy vốn là một đặc điểm trong cách viết của tôi, dấu vết của một lối nhìn u ám. Do đó, tôi mừng đến mức khó nói nên lời, khi nghĩ ra cảnh mặt nạ. Tôi vui vẻ hẳn lên khi hình dung ra đoạn cuối phim mọi bệnh nhân trong viện, không trừ một ai, hiện ra trong những mặt nạ đang cười. Thật là một cảnh comic chói sáng.
Những tấm kính dầy dùng làm mái che xưởng phim dường như đã thu vào mình tất cả sắc xanh. ánh sáng ban ngày nuốt dần cái màu xanh thẳm từng gợi nhớ tới màu sứ xơtô tuyệt diệu trên trời. Tâm hồn hoàn toàn tưh thái, tôi quay về khách sạn, và thiếp đi một lúc hết sức khoan khoái.
Người được cử đi mua mặt nạ quay về xưởng vào lúc mười một giờ đêm.
- Từ sáng đến giờ, tôi phóng ô tô đến tất cả các cửa hàng đồ chơi ở Kiôtô - Ông ta kể, - nhưng không tìm đâu được một mặt nạ ra hồn. Chỉ có loại này...
- Để tôi xem nào - tôi bảo, và khi ông ta mở túi ra, tôi chỉ còn cách quay đi thất vọng - ồ... à... Cái này thì chưa được.
- Tôi cũng đã đoán thế, - người nhân viên phụ trách đạo cụ buồn bã gật đầu. - Tôi còn nhớ mang máng rằng ở một cửa hàng nào đó, tôi đã nhìn thấy một mặt nạ rất hợp, nên cả ngày đi sục khắp mọi cửa hàng, vậy mà vẫn công cốc...
Tôi nói gần như phát khóc, khi mâm mê trên tay chiếc mặt nạ kỳ cục, chỗ lồi chỗ lõm.
- Tôi tính mặt nạ là muốn dùng thứ mặt nạ sử dụng trên sân khấu. Nó kia. Bản thân mặt nạ phải là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Còn thứ đồ giả này đưa ra chỉ tổ mua cười.
Nhìn vào chiếc mặt nạ màu nâu với cái lưỡi thò ra đỏ chói trông rất rợ, tôi nói thêm:
- Tôi cần thứ mặt nạ trắng, nhẵn, lôi cuốn người ta bằng nụ cười hiền dịu. Mang thứ mặt nạ này lên phim trước hết trông cứ tối sầm.
- Chuyện khó gỡ đây, - đạo diễn cười khi cho trường quay tạm ngừng công việc và nhìn vào chiếc mặt nạ - Hay ta cứ lấy mấy cái này, quét màu vào dùng tạm vậy.
Sáng mai đã bắt đầu quayđoạn cuối: các thứ mua ở cửa hàng đồ chơi không dùng được, nhưng muốn tìm cho ra thứ mặt nạ cổ như tôi muốn thì không còn thời gian, rút cuộc đạo diễn đề nghị: hay cùng lắm, ta tự làm lấy một ít mặt nạ bằng các loại xen-luy-lô có ở xưởng.
- Không, - tôi phản đối, - giữa hai con đường chỉ được chọn một: hoặc tìm cho ra những mặt nạ có giá trị nghệ thuật thực thụ; hoặc ý định của tôi phải tạm gác lại.
- Biết thế, hãy để tìm thêm chuyến nữa. Bầy giờ mười một giờ. ở khu Tân Kiôtô có lẽ phố xá chưa đóng cửa hết đâu.
- Anh đi với tôi ? - Tôi tỏ ý hoan hỉ.
Chúng tôi lên xe, phóng thẳng trên con đập qua sông. Trên bờ sông đối diện, ở khu bệnnh viện đa khoa, các cửa sổ còn để đèn, ánh sáng lấp lánh trên mặt nước. Thật khó hình dung là sau những cửa sổ đó, các bệnh nhân đang quằn quại trong bệnh tật. "Nếu như không tìm thấy những mặt nạ thích hợp - tôi tự nhủ - không khéo trong đoạn kết phim, mình phải đưa ra hình ảnh những khuôn mặt cửa sổ bệnh viện chói sáng trong đêm và đổ bóng trên mặt sông ?"
Cùng với người phụ trách khâu kịch bản, tôi la cà khắp cửa hàng đồ chơi ngay trước khi các cửa hàng này kịp đóng cửa. Cũng mua được khoảng hai chục mặt nạ phụ nữ, loại mặt tròn, bồi bằng giấy. Nhưng vẫn chưa phải thứ mặt nạ tôi cần. Trông chúng có đẹp thật, nhưng còn xa mới đáng gọi là những chế phẩm có ý nghĩa nghệ thuật thực thụ. Còn phố Xitdô thì các nhà đã đóng cửa đi ngủ cả.
- Ráng chờ chút xíu, - người phụ trách khâu kịch bản rẽ vào một phố nhỏ. - Ngõ này có nhiều cửa hàng đồ cổ chuyên bán các đồ cúng Phật ngày xưa. Tôi ngờ may ra có thể có các thứ đạo cụ dùng trong sân khấu Nô.
Nhưng tất cả các cửa hàng trong ngõ đều đã đóng cửa. Tôi ghé mắt qua lỗ khóa gần như hết tất cả các cửa hàng đó.
- Được, bảy giờ sáng mai tôi sẽ có mặt ở đây, - người đồng hành của tôi quả quyết. - Bây giờ đang đêm, chắc cũng chưa cần làm gì vội.
- Mai tôi sẽ đi với anh. Xin nhớ đánh thức tôi dậy.
Nhưng anh ta không đánh thức tôi, mà đi một mình, và khi tôi đến xưởng mọi người đang bắt tay vào quay đoạn cuối. Rút cuộc, người ta cũng tìm được năm mặt nạ cổ đẹp không chê vào đâu được. Theo đúng ý đồ của tôi, lẽ ra cần đến hai mươi hoặc hơn nữa, ba mươi chiếc. Nhưng chỉ cần năm cái loại này, những nụ cười kì diệu chắc đã đủ sức thức dậy trong lòng người xem những cảm giác cao thượng tốt đẹp. Lòng tôi dịu lại, tôi cảm thấy mình đã hoàn thành nghĩa vụ với những con người bị bệnh tâm thần mà cuộc sống của họ được sử dụng làm cơ sở cho kịch bản.
- Mặt nạ rất quý, tôi không mua nổi nên đành thuê tạm, - người phụ trách kịch bản nói. - Chỉ bôi bẩn một chút thôi, người ta sẽ không nhận trả lại.
Sau khi đã dặn dò đủ điều những người sử dụng mặt nạ, chúng tôi yêu cầu họ rửa tay cẩn thận trước khi cầm vào chúng. Ai nấy nâng niu, như những của quý.
Nhưng khi quay xong vẫn không trách khỏi có chuyện: một trong năm mặt nạ bị ố một vệt vàng trên má.
- Tai họa ! - Người phụ trách kịch bản kêu lên buồn bã. - Hay ta thử cố tẩy đi...
- Thôi được, - tôi an ủi anh ta. -Tôi xin trả tiền và lấy cái mặt nạ ấy vậy.
Thật ra lâu nay, tôi vẫn có ý tìm một mặt nạ loại đó. Tôi thường ước ao con người ta trong tương lai, phải có khuôn mặt đầy ánh sáng và lương thiện, với những nụ cười rạng rỡ như vậy.
Trở lại Tokyo, tôi lập tức rẽ về nhà và từ đó, đến thăm vợ tôi đang nằm bệnh viện. Bọn trẻ trong nhà cũng đang ở đấy thăm mẹ. Chúng truyền tay nhau chiếc mặt nạ, tỏ ý thích lắm. Tôi càng lấy làm hài lòng.
- Bố, bố thử đeo xem sao ! - Một đứa đưa mặt nạ cho tôi.
- Bố không thích.
- Bố cứ thử đeo xem.
- Không !
- Bố đeo cơ... - Thằng con trai nhỏ nhất nói giọng nũng nịu và nhón chân lên, toan ấn vào mặt tôi. Tôi bắt đầu cáu, nhưng may, vợ tôi đã lên tiếng cứu vãn.
- Thôi con. - Vợ tôi khẽ quát thằng nhỏ.
- Hay ta đeo cho mẹ vậy ! - Lũ trẻ cùng cười rúc rích và quay cả về phía mẹ.
- Không được làm thế các con, mẹ đang ốm !
Tôi định ngăn chúng lại, nhưng đã muộn.
Một điều khủng khiếp nào đó đã xảy ra khi chiếc mặt nạ được đeo vào mặt người vợ ốm đang nằm trên giường.
Tôi vội giỡ chiếc mặt nạ khỏi mặt nàng. Vợ tôi thở hổn hển. Nhưng tôi ngạc nhiên bởi một điều khác. Khi tôi vừa gỡ mặt nạ ra, khuôn mặt nàng hiện ra xấu xí một cách thậm tệ gần như trở thành kì quái. Tôi rợn cả tóc gáy khi nhìn vào khuôn mặt phờ phạc đó. Người tôi thảng thốt như lần đầu tiên trong đời nhìn thấy nó. Chỉ cần chiếc mặt nạ tuyệt vời đặt trên khuôn mặt vợ tôi chốc lát, lập tức tôi cảm thấy tất cả vẻ xấu xí của nó. Hơn nữa, không phải chỉ xấu xí, khó coi, khuôn mặt đó giờ đây còn hiện ra héo hon, trầm uất đến cực độ. Ngay khi đã gỡ khỏi chiếc mặt nạ xinh đẹp kia một lúc, khuôn mặt đó vẫn hiện ra đặc biệt thảm hại, nhạt nhẽo.
- Bây giờ bố đeo thử xem, bố ! - Lũ trẻ bắt đầu xoay sang tôi. - Bây giờ đến lượt bố.
- Đủ rồi, buông ra ! - Tôi nói xẳng và kịp đứng lên.
Nếu tôi đeo mặt nạ vào và sau đó gỡ nó ra, biết đâu, trong mắt vợ tôi, tôi chả hiện ra kỳ cục đến quá quỷ sứ !
Cái mặt nạ xinh đẹp thật xảo quyệt. Nó làm nảy sinh trong tâm trí tôi một mối nghi ngờ khủng khiếp: hay khuôn mặt vợ tôi - mà bấy lâu tôi quen thấy, với nụ cười dịu dàng nhân hậu - chẳng qua cũng chỉ là một thứ mặt nạ ? Phải chăng nụ cười trên khuôn mặt người phụ nữ cũng là được tạo ra như chiếc mặt nạ đã được tạo ra như thế này ?
Quỷ tha ma bắt những cái mặt nạ này ! Quỷ tha ma bắt những thứ được bày vẽ này đi !
Tôi quyết định phải lập tức gửi tới xưởng phim ở Kyoto một bức điện trong đó viết "Bỏ ngay các đoạn phim sử dụng mặt nạ". Nhưng rồi tôi xé bức điện thành từng mảnh nhỏ.
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com

Đêm hoa quỳnh nở

lamtruyen.com
Truyện ngắn
Thế là cuối cùng, nàng như một bóng chim, như một tăm cá, lại thoáng qua đời ông một lần nữa, đã làm cho tuổi già vừa yên ắng của ông lại rộn lên, thổn thức.
Phải chăng nàng đã hiểu được, cắt nghĩa được lỗi lầm của ông và sẵn sàng tha thứ? Ý nghĩ này khiến trái tim ông quặn thắt một nỗi rạo rực trẻ trung…
Ông lục tìm trong đáy vali bộ dao cạo râu đã từ lâu quên lãng. Sự thể gặp lại nàng, đã xui ông một lần nữa, đi đến quyết định này. Đây là lần thứ hai ông cạo đi bộ râu mà ông chăm tỉa, nuôi để mấy năm trước. Cả hai lần cạo cũng chỉ vì mỗi người con gái ấy…
Bộ râu ba chòm, thưa và dài, đã xám bạc, mềm và óng ánh như những sợi cước người ta dùng may nón. Tuy thế, nó vẫn lùng nhùng khó cạo, ông phải dừng lại để lấy kéo cắt ngắn, sau đấy bôi nước xà phòng bọt trắng như nhồi bông lên nửa khuôn mặt khô ráp, rồi mới đưa lưỡi dao.
Giá hồi ấy ông không chần chừ, không mặc cảm, mà mạnh dạn và quả quyết như nàng thì mọi việc đặt trong sự đã rồi, và ông đã không bao giờ mất nàng. Phải, không bao giờ! Ý nghĩ này như một sự sám hối, như một sự ăn năn, đã giày vò tuổi già đơn côi gần năm năm trời nay, làm cho trái tim ông khắc khoải một nỗi nhớ trông, mong ngóng nàng da diết. Bởi thâm tâm, ông cũng cho rằng, ở nơi xa vắng nào đó, nàng cũng sống những ngày tháng đau khổ như ông.
Ông nhúng chiếc khăn mặt vào chậu nước mà ông đã pha thêm nước sôi từ chiếc phích pha trà sớm, rồi cẩn thận lau lên khuôn mặt đã cạo, kỳ cọ hai thái dương và quanh cổ. Nước ấm, phút chốc làm cho lớp da đồi mồi của tuổi sáu mươi của ông ửng hồng lên, cùng với sắc mặt mới cạo sáng sủa, khiến ông trẻ lại đến mấy tuổi. Ông bận quần áo và chải đầu; ngạc nhiên và hơi lạ lẫm với chính mình trong gương, bởi khi bộ râu quen nhìn mất đi, khuôn mặt ông như đổi khác.
Đêm qua, gần như không ngủ được, nhưng thần sắc ông không có dấu hiệu gì là mệt mỏi. Trái lại, trông ông rất tươi tỉnh; đôi mắt như lấp lánh tinh nhanh, dẫu cái lòng đen đã chuyển sang màu vàng đục của tuổi già, và bị che phủ bởi hai vệt lông mày cũng bạc lốm đốm. Mái tóc để dài, trùm kín cổ, cũng xám màu mây, được chải vuốt ra sau,để lộ trên vầng trán cao vì hói những nếp nhăn chạy ngang, hài hoà với khuôn mặt cứng cỏi và dáng người cao gày, lanh lợi của ông.
Ông đẩy cửa bước vào.Và lập tức luồng khí lạnh, ẩm ướt buổi sáng ùa vào phòng. Thành phố còn mờ tỏ trong sương mai trắng mờ. Có gần tuần lễ nay trời đã ấm lại, mùa xuân bắt đầu ban phát sự tươi trẻ, sức sống trào sôi của mình lên sắc màu cây lá.
Lòng ông chợt nhói lên, thắc thỏm và hồi hộp như thể là sắp đến giờ hò hẹn. Bao giờ cũng vậy, cứ bước ra cái sân thượng này, lòng ông lại bồi hồi khó tả. Bởi mọi vật ở đây đều thấm đẫm những kỷ niệm của nàng. Mỗi nhành cây dường như muốn bắt chước dáng dịu dàng, mềm mại của nàng, mỗi cánh hoa, mầm lá đều như phả ra hơi thở nóng ấm của nàng. Mà đúng ra, sớm nay, ông có cuộc hò hẹn thực sự, cuộc hò hẹn với nàng.
Ông khoác thêm chiếc áo măng tô, may bằng một thứ vải gì thô và cứng như vải bạt và ra đi trên chiếc xe đạp cọc cạch quen thuộc. Chừng mươi cái đạp chân, bất giác ông lại đưa tay lên áp túi ngực. Trong ấy có một phong thư. Đúng hơn là những bài thơ đêm qua ông thức chép, gửi cho nàng. Ngày xưa, giữa ông và nàng hình thành một mối giao cảm bằng thơ. Vì nàng mà trái tim đơn độc, lạnh giá của ông như được sưởi ấm lên, trẻ trung lại và đập những nhịp vồ vập của chàng trai lần đầu được yêu. Và nàng đọc những bài thơ ông gửi tặng, những bài thơ tình yêu được viết theo lối cổ, trước giờ đi ngủ, hay mỗi sáng còn nằm trong chăn, trở mình, vùi đầu vào mái tóc dày, bồi hồi giấu nụ cười bẽn lẽn.
Thành phố bồng bềnh như trôi nổi trong biển sương bảng lảng. Những dòng người, xe cộ, những mái nhà, thành cầu cong và dòng sông chậm rãi đi ngược chiều với xe ông. Tất cả sặc sỡ và không rõ nét, cứ mờ ảo như một cuốn phim màu. Đây là Huế mùa xuân…
Sáng qua, ông đã gặp lại nàng. Đúng hơn, là ông tin chắc đấy nhất định là nàng. Cũng vào giờ này, thành phố và quang cảnh cũng thế kia, ông đạp xe đến trường trong một tâm trạng phần nhiều dửng dưng, trễ nải. Bởi đã ba hôm nay, ngày nào ông cũng đến trường vì khoản tiền lương chưa nhận được vào lúc năm hết, tết đến; mà lần nào cũng được bà thủ quỹ lạnh lùng bảo: “Sáng mai!” Mình ông thì thế nào cũng xong, tết nhất chủ yếu là tinh thần, ông quen rồi. Ngặt nỗi, con gái ông từ thành phố Hồ Chí Minh có thư ra, nói rằng tết này có thể đưa các cháu về thăm ngoại. Nên ông muốn có thêm khoản tiền lương. Khổ! Từ ngày giải phóng đến nay, cha con ông mới gặp nhau có một lần ngắn ngủi. Và lần ấy, ông hoàn toàn ngỡ ngàng trước một thiếu phụ rất trẻ, mà người ta nói là con ông. Bởi bao năm ở trên đất Bắc, ông hình dung con mình còn bé bỏng kia! Ai ngờ…
Sương như khói, bảng lảng và mong manh, từ mặt con sông Hương dâng lên, từ những đền đài, cung điện lợp ngói mũi hài toả ra, từ cái màu xanh lam của núi Ngự Bình trôi về, như cố tạo cho thành phố cổ kính vẻ đẹp thấp thoáng, mờ ảo; như cô gái giấu sắc đẹp lộng lẫy sau lớp voan trắng mỏng.
Và, trong cái dòng người, xe cộ xuôi ngược tấp nập của ngày giáp tết, ông đạp xe đi một cách lơ đãng, gần như vô thức, thì bỗng nhận ra nàng. Suýt nữa thì ông không thấy nàng. May nhờ cái góc lề đường rộng rãi của ngã tư ấy đã thành một chợ hoa tự nhóm từ lúc nào. Và trong cái loáng thoáng của mặt người lẫn với mặt hoa, ông chợt nhận ra khuôn mặt thân yêu của nàng.
Ông bối rối, thậm chí luống cuống, vừa bóp cả hai phanh tay, vừa thọc cả hai chân sếu kéo lê trên mặt đường nhựa, cố ghìm chiếc xe, mắt vẫn ngoái lại cô gái bán hoa trên hè phố, như sợ lơ là một giây là cô biến mất. Hình như là nàng… Không, đích thị là nàng, chứ còn “hình như” gì nữa! Chính nàng mới có đôi mắt to và đen lánh ấy, mới có hai vệt lông mày xếch trên vầng trán dô tròn, bướng bỉnh như thế, mới có hàm răng trắng bóng với một chiếc răng khểnh ở khoé miệng, khi cười rất có duyên, nhưng khi mím miệng thì môi trên bị cộm lên một chỗ.
Ông rẽ đám đông gần như tắc nghẽn vì sự phanh xe đột ngột của ông, đi về phía cô gái bán hoa, vội vã và sửng sốt. Cô gái nhìn ông như một thoáng giật mình, rồi lấy lại bình tĩnh rất nhanh:
- Em … mời ông mua hoa… Cô gái nhỏ nhẹ, và rụt rè nâng đưa ông một cành mai khá đẹp: nụ dày và bông đã nở chừng mươi cái.
- Cô còn thứ hoa nào khác không, ở nhà ấy?
Ông giơ tay đỡ cành mai từ tay cô gái, hỏi, và mắt nhìn như hút lấy người cô, khiến cô trở nên bối rối, khẽ kéo nghiêng vầng nón.
- Ông cần hỏi mua?…
- Phải. Tôi cần… giống cây quỳnh!
Ông nói, và chợt thấy mình hớ hênh, thô vụng; vội rút mùi xoa ra lau mặt. Thực ra, ông chỉ muốn thăm dò xem cô có phải tên là Quỳnh không; chứ giống hoa quỳnh thì sân thượng nhà ông đã có. Nhưng cô gái, hình như không chú ý cử chỉ ấy của ông, nói liền một mạch:
- Dạ có. Nhưng mà giống hoa ấy chóng tàn lắm, không bán được. Nếu ông muốn, thì mời ông về… à mà thôi, sớm mai ông trở lại đây, em mang theo…
Cô gái ngước nhìn ông chăm chú, như cố ghi nhận những đặc điểm nổi bật, dễ nhớ của người mà cô đã hứa ngày mai mang giống hoa đến cho ông. nhưng liền đó, ông chợt thấy mình thất vọng, bải hoải cả người. Không. Không phải nàng. Chẳng lẽ mới 5 năm mà ông thay đổi đến mức nàng không nhận ra? Vả, nàng không có cái nốt ruồi ấy; cái nốt ruồi không to, nhưng đậm, ngay ở một bên cằm, khiến cho cô xa lạ với gương mặt dịu dàng, mộc mạc của nàng.
Người mua hoa chen chúc nhau khá đông, làm ông không thể nấn ná thêm một lúc nữa, liền trả tiền và lui ra. Cô gái khẽ gật đầu đáp chào ông rất thiện cảm, nhưng hình như ông không hay biết. Tâm trí ông đang tìm những nét khác giữa nàng và cô gái bán hoa. Và ông đã tìm được: nào là mái tóc không phải cát bôm bê, nào là dáng vóc cô này hơi đậm, đẫy đà; và nhất là cái nốt ruồi có vẻ phô trương kia, thì hoàn toàn chắc chắn.
Ông đạp xe hoà vào dòng người. lòng nuối tiếc như vừa mới gặp nàng trong giấc mơ, lại mệt mỏi và chán chường thất vọng. Vì 5 năm qua, giữa dòng đời cuộn xiết, nàng như con cá lội biệt tăm…
Nhưng liền suốt cả buổi chiều hôm qua, khi trở về nhà và trồng cành mai vào chậu cảnh, ông không tài chi tĩnh trí được, hết vào rồi lại ra, rồi lại bần thần đi bách bộ quanh sân thượng xao xác heo may của chiều cuối năm. Những chứng cứ về sự khác biệt giữa nàng và cô gái bán hoa kia, đã lần lượt bị bác bỏ, không còn chỗ bấu víu nữa. Phải! Tóc nàng không cắt bôm bê ư? Thì nàng đâu còn cái tuổi học trò? Người nàng bây giờ đẫy đà? Năm năm trời làm lụng; và hơn nữa, biết đâu nàng đã có nơi có chốn, thậm chí có con? (ý nghĩ này khiến lòng ông đau nhói). Còn cái nốt ruồi đen ở trên chiếc cằm thon kia, thì rất có thể là của giả. Các cô gái, mỗi khi xuất hiện chỗ đông người, chẳng đã thường kín đáo chấm những nốt ruồi giả cho thêm duyên, đấy sao?
Nàng không nhận ra ông? Hay cố ý không nhận ra ông, làm ra vẻ không nhận ra ông? Hoặc không muốn nhận ra ông? Tất cả những câu hỏi ấy, cứ loạibỏ nhau, giằng xé nhau, và cùng nhau dày vò nỗi đau khổ khắckhoải trong ông. Cuối cùng thì ông nghiêng hẳn về cái ý nghĩ rằng nàng nhất định nhận ra ông, mong thấy mặt ông, nhưng không muốn để ông nhận ra nàng.
Nhận định này làm bừng lên trong ngọn lửa yêu thương âm ỉ, và tràn trề hy vọng. Chợt thấy lòng vui vui và nhen nhóm, ông bắt đầu tỉ mẩn thức chép những bài thơ viết trong thời gian xa cách nàng, rồi cho vào một phong bì màu tím nhạt.
Giữa nàng sau này và cô bé đến cùng bà già hôm ấy là một trời một vực. Không thể hình dung nổi cô bé xanh xao, gầy nhẳng, và dụt dè nép sau lưng bà cụ, vài năm sau lại chính là nàng…
Không biết nhờ ai mách bảo, hay ngẫu nhiên, hoặc do trời xui đất khiến, mà hai bà cháu nàng khăn gói lỉnh kỉnh, và ướt sũng, đứng cúi đầu trước cánh cổng sắt nhà ông?
Như hiện giờ ông nhớ được, thì trận bão năm ấy dữ dội nhất mà ông được chứng kiến. Những người già cả nhất là bảo theo sử sách để lại, thì có hàng trăm năm nay Huế mới có một trận bão khủng khiếp như thế. Các loại cây đại thụ hàng hai ba người ôm ở trong khu Hoàng cung và dọc các con đường hai bờ sông Hương đều đổ sàn sạt, gốc bật lên trời, nhà cửa tốc mái, đổ nát như sau một trận B52 rải thảm.
Ngôi nhà tranh của hai bà cháu bà cụ ở ven thành đã đổ ụp xuống một đầu, còn đầu kia chổng mông như con bò tế ngay từ trận gió đầu tiên của cơn bão táp vào thành phố. Có lẽ nhờ thế mà nó thành ra thấp lún, ẩn náu dưới tường thành, và không bị bốc tung. May mắn nữa, là cả hai bà cháu đã không ai hề hấn gì, chỉ bị ướt rét và khiếp đảm.
Ông mở cổng sắt và dẫn hai bà cháu vào một căn phòng ở tầng một. Bấy giờ trời đã chiều, và bão đã dịu ngớt; chỉ còn phảng phất mưa và đôi đợt gió giễu cợt trên thành phố hoang tàn mà nó vừa quấy phá xong. Sân và vườn và ông ngổn ngang cây đổ, cành gãy và đầy lá rụng nhượt nhoẹt. Hai bà cháu ướt lướt thướt, tái nhợt và run rẩy vì khiếp nhược trận bão đi qua. Ông rót cho hai người hai tách trà nóng, và đứng nhìn họ đầy ái ngại, thương cảm. Bà già độ bảy mươi, dáng đi còn thẳng, thấp bé và tóc bạc trắng; rụt rè hớp từng ngụm trà thơm lẫn với hai dòng nước mắt mặn chát biết ơn, lặng lẽ lăn xuống gò má nâu sạm. Còn cô bé độ mười sáu, xanh gầy, uống trà với đôi mắt đen nhánh có hàng mi rợp lăn xuống đáy cốc; thỉnh thoảng, lén chớp chớp về phía ông cái nhìn trong veo và hơi lạ lùng của con trẻ.
Từ đấy, ông gần như giao hẳn tầng một với phòng ăn, phòng ngủ và phòng khách cho hai bà cháu nàng ở và cai quản còn mình thì ở tầng hai.
Nghe nói, nàng có quê hương và gia đình khá giả ở tận một làng quê bên bến sông Bồ. Cha nàng chết trong chiến tranh. Mẹ nàng làm nghề buôn vải ở chợ, cùng với hai đứa em còn đi học. Nàng vì quá thương bà ngoại một mình đơn chiếc, nên xin vào đây ở hẳn với bà. Bấy giờ nàng đang học năm cuối cùng của bậc phổ thông.
Từ ngày có thêm bà cháu nàng, ngôi nhà như một biệt thự cổ, u tịch vì thiếu hơi người, đã được sống lại. Vườn cây, lối ngõ được vun tưới, xén tỉa sáng sủa hẳn lên. Không còn vẻ buồn tẻ và tàn lụi những năm tháng một mình ông vào ra nữa.
Ngôi nhà này được xây cất vào những năm cuối thập kỷ năm mươi, nhờ tiền buôn bán tích góp của vợ và mẹ ông, cùng với sự đóng góp của nhánh họ Nguyễn Văn nhà ông. Bởi ông là con trưởng của chi trên, những ngày lễ lạt, giỗ họ, bà con cần có nơi tụ họp thắp nén hương cúng quả xôi con gà và bàn chuyện làm ăn. Vì thế, ngôi nhà xây cất khá kiểu cách, vừa mang tính chất vừa là nhà riêng, lại có dáng nét bề thế của một công sở. Mẹ ông có nói lại rằng, từ ngày chiến tranh ác liệt, họ mạc tản mát mỗi người một phương, có kẻ di tản ra nước ngoài, nhiều người đã chết. Vì thế, những ngày giỗ chạp chỉ còn mỗi một mình bà hương khói. Từ ngày mẹ ông qua đời, việc giỗ họ do ông lo, và gần như cũng chỉ hương hoa.
Công việc lấp đầy phần lớn thời gian mỗi ngày của ông là điệp khúc: soạn bài, lên lớp và nghiên cứu các bộ sách cổ. Chỉ còn một khoảng thời gian ngắn và hẹp, độ một tiếng đồng hồ, khi ánh ngày muộn, nhạt màu không muốn rời cái sân thượng đầy hoa và cây cảnh, và tận đỉnh ngọn dừa xanh thẫm, xào xạc lá, vầng trăng như một con thuyền giấy mỏng manh và nhợt nhạt trôi nổi, ông ngả mình lên chiếc ghế mây bằng những sợi nilon dệt màu ngà, được tết vào một khung sắt có lò xo, vắt chân chữ ngũ, theo dõi những bài viết trên tờ báo tuần, chốc chốc, hớp từng ngụm trà đậm, khoan khoái với hoàng hôn thành phố yên tĩnh, cho đến khi ánh đèn đường đồng loạt bật sáng.
Công việc hằng ngày của ông dẫu đơn điệu, khô khan và tẻ nhạt, vẫn cuốn hút và lấp đầy, ngỡ như chẳng có gì nổi bật để phân định thời gian năm, tháng. Thế mà bỗng dưng, nàng làm đảo lộn tất cả. Phải. Như bây giờ ông nhớ lại, thì đó là ngày đầu tháng chín, khi ông lên lớp giờ đầu tiên của một khoá sinh viên mới tuyển. Ông bước vào lớp, và như quy định, lập tức sinh viên nhất loạt đứng dậy chào ông. Ông khẽ gật đầu đáp lại và mời họ ngồi xuống, rồi bắt đầu vào bài giảng ngay. Tính ông vẫn vậy, vào lớp là tâm trí cuốn hút vào bài giảng, không còn biết gì khác. Thế mà hôm đó, không hiểu sao… Có thể vì đấy là học sinh mới, ông phải trình bày chậm rãi hơn, lưu tâm đến sự vừa nghe vừa ghi chép của họ hơn. Và thế là, ông chạm phải ánh mắt nhìn thôi miên của nàng. Phải, chính nàng…
Thoạt đầu ông không hiểu nổi, và lục tìm trí nhớ: Không biết đã gặp cô gái này ở đâu, trong trường hợp nào? Nhưng rõ ràng là ông thấy rất quen. Và, đôi mắt đen có hai vết lông mày xếch trên vầng trán bướng bỉnh , lấm tấm mồ hôi, cái răng khểnh ở khoé miệng làm cộm lên một chỗ môi trên, cùng với mái tóc bum bê rời từng món nhỏ xuống má khi cô viết, đã cho ông nhận ra cô bé ở nhà ông. Chao ơi, thời gian và tuổi trẻ! Mới có ba tháng, khi cô bé đến chào ông để đi nghỉ hè. Lúc đó, ông còn nhớ cô như một con chim nhí nhảnh, yêu đời, và kỳ thi vào đại học vừa xong, cô bảo cô làm bài rất tốt. Ông không có một quãng đời nào như vậy cả. Phần tuổi trẻ vô tư của ông được thay bằng thời gian căng thẳng giữa các trận đánh không cân sức giữa cái sống và cái chết, giữa mùa mưa rừng Lào sên vắt và đói rét… Khi được trở về trường đi học thì tuổi trẻ của ông đã qua đi từ lâu rồi. Chỉ còn lại phần đời đầy lo lắng trách nhiệm.
Bị rơi vào vòng cương toả, vấn vít của ánh nhìn khó tả từ đôi mắt ấy, con người thiếu kinh nghiệm của ông chợt trở nên bối rối, mất tự chủ mấy giây. Lần đầu tiên trong đời, ông thấy mình chú ý đến một cô gái, và ông mất bình tĩnh vì cô ta.
Nhưng lạ thay, sau giây phút bối rối ấy, ông nhận ra mình giảng bài hay hơn, sôi nổi và hào hứng hơn, đến mức, ông chợt thấy cuộc đời đáng yêu nhường nào. Và dần dà sau đó, hình như ông không còn vô tư trong mỗi lần lên lớp nữa. Mỗi bài giảng tuồng như ông chỉ say sưa giảng cho nàng, cho mỗi riêng nàng. Sự tiếp thu được của cả lớp là “hôi” lại của nàng.
Bây giờ nàng không còn rụt rè, bẽn lẽn mỗi lần đến chỗ ông giảng bài nữa. Thậm chí, nàng còn chủ động đến pha trà, khâu vá hay giặt giũ giúp ông; chăm chút, tắm tỉa các chậu hoa cây cảnh trên sân thượng thay ông mỗi sáng.
Và chiều chiều, sau mỗi bữa cơm, ông và nàng bên bàn trà đặt ở góc sân thượng, cùng ngồi xem báo, uống trà và chờ trăng mọc. Những đêm có trăng, và đặc biệt những đêm có hoa quỳnh nở, nàng ngồi cùng ông đến khuya.
Từ lâu, ông có thói quen thức đêm chờ hoa quỳnh nở. Một ấm trà đậm, nhiều khi còn có thêm cút rượu trắng, (những đêm không trăng, ông kéo điện trong phòng ra hiên), vừa nhấm nháp, vừa quan sát từng cánh trắng muốt tinh khiết, khẽ khàng và e lệ mở dần ra cái bí mật màu vàng nhạt của lớp ống nhụy rung rinh, nhỏ như que tăm cắm vào lòng đài óng ánh thứ dung dịch nhờn nhờn và toả hương ngọt ngào dịu ngát một khoảng không. Ông thương bông hoa quỳnh, như một cô gái thẹn thò và thanh cao, không muốn dâng hiến sự trinh trắng cho lũ ong bướm ô hợp; vì thế chờ đêm khuya kín đáo, nơi thanh vắng, hoa quỳnh chỉ nở dành riêng cho người quân tử biết thưởng thức (Ông đưa tay lên vuốt râu cằm và mỉm cười trước ý nghĩ ngộ nghĩnh này của mình).
Rất khuya, khi bông quỳnh nở hết đã lâu, ông cẩn thận bỏ vào lòng hoa một nắm trà, rồi nhẹ nhàng vuốt túm các cánh hoa lại. Sáng hôm sau, ông ngắt bông hoa đã tàn vào nhà, khẽ khàng mở ra, và bỏ ấm trà đã ướp hương quỳnh vào ấm. Những tách trà buổi sớm như thế, cảm tưởng làm ông tỉnh táo suốt ngày. Những lúc có rượu ngon, thay vì ướp trà, ông ngắt cả bông bỏ vào bình ngâm rượu. Phải sành lắm mới nhận ra trong rượu có hương quỳnh.
Từ ngày có thêm nàng, và nhất là biết tên nàng trùng với tên hoa, những đêm ngồi ngắm hoa quỳnh nở làm ông bồi hồi.
Ông cảm thấy vui vui khi nhìn nét mặt trẻ con háo hức của nàng, lần đầu tiên, thích thú với những khám phá mới mẻ và huyền bí về hoa quỳnh.
Ông muốn được đối xử bình đẳng với nàng. Ngược lại, có lẽ, nàng cũng cố xử sự sao cho ông không có mặc cảm là mình đã có tuổi, sao cho xoá lấp cái phần chênh lệch giữa hai người, và những trống trải cô đơn thường nhật trong ông. Nàng chăm sóc đời sống của ông như một người em gái đối với anh trai, như một người vợ, người mẹ đối với chồng, con, khiến ông vừa cảm động, vui thích, vừa sợ hãi. Nhưng, nàng hoàn toàn không biết gì về sự sợ hãi của ông. Hay nàng tỏ ra không biết, cố ý không biết, thậm chí cố ý trêu ngươi sự sợ hãi của ông? Tuồng như ông càng bối rối, hoảng hốt trước sự chăm chút của nàng bao nhiêu, thì nàng càng tiến tới ông một cách rõ rệt hơn, khiêm nhường và dịu dàng hơn bấy nhiêu.
Cho đến một hôm, vào tối thứ bẩy, nàng nằng nặc mời ông đi xem phim. Ông không nhớ hôm đó người ta chiếu phim gì, chỉ nhớ là, nàng ngồi cạnh ông, nghiêng mái tóc dịu mát hương bồ kết vào má ông, chạm bàn tay có những ngón dài và làn da mát rượi vào tay ông khi ông đặt khuỷu tay lên thành ghế, khiến người ông thấy nôn nao, vội rụt tay về như phải bỏng. Nhưng khi tan phim, hai người sánh đôi chậm rãi theo con đường dọc bờ sông mờ mờ ánh đèn xa và ánh sao khuya, đầy những tán cây bồ đề và phượng hoa vàng réo rắt tiếng ve, nàng đã nắm hờ lấy khuỷu tay ông, nửa như là khoác tay, nửa như là vịn vào cho dễ đi, làm ông lâng lâng và hoang mang tột độ. Hình như nàng nói loáng thoáng câu gì. có phải lúc đó em hỏi tôi: “Sao anh… để râu sớm thế?” (Từ lâu, những lúc chỉ có hai người, nàng đã chuyển “thầy” thành “anh”). “Em thấy khó coi lắm phải không?”. Ông trả lời nàng bằng câu hỏi lại, và lần đầu tiên, can đảm soi vào mắt nàng trong bóng tối lưa thưa của tán cây so đũa. “Không. Nhưng mà… em chẳng thích”, nàng nói nhanh, và có vẻ giận dỗi, quay mặt đi.
Đêm ấy, khi trở về phòng mình, ông đã cạo đi bộ râu, cái bộ râu ông để từ ngày đi về thăm quê lần đầu, sau ngày giải phóng, khi chỉ còn gặp lại bà mẹ già và đứa con gái đã có chồng, còn người vợ bị địch bắn chết từ lâu.
Buồn não ruột, ông thấy mình đã lên lão, và quyết định để râu. Râu ông để kiểu ba chòm, hai chòm trên xén ngang khoé miệng, còn chòm dưới cằm để vuốt dài.
Dẫu ở lứa tuổi nào đi nữa, thì tình yêu vẫn là tình yêu, vẫn muôn thuở có sức mạmh cám dỗ, si mê và vụng dại. Huống chi đây lại là mối tình đầu. Nàng thì quá rõ. Còn ông, nói của đáng tội, cũng là lần đầu tiên được yêu đấy.
Bởi mười sáu tuổi ông đã vào tù. Ông bị địch bắt trong khi trên đường chuyển tài liệu mật cho cơ sở, bị lộ. Ông chỉ kịp nuốt xong tài liệu (là một tờ giấy bằng bàn tay vo tròn), trước mặt tên mật thám già giận dữ và hai tên cảnh sát hung hãn tống những quả đấm ộc máu mồm. Chúng đem ông vào giam cách ly tận đề lao Đà Nẵng. May mà, trong lao có một chi bộ bí mật ông được vào Đảng, và sau đó, được bố trí cho vượt ngục giữa ban ngày, sau hai lần vượt đêm bị bắt và bị đánh đập dã man. Không thể trở về Huế hoạt động công khai được nữa, ông vào bộ đội. Hết các mặt trận Bình – Trị - Thiên những mùa mưa lầy lội và đói rét, với các trận ác chiến Xuân Bồ, Thanh Hương… trung đoàn ông bị lật cánh sang mặt trận Thượng Lào, cho đến ngày đình chiến. Trước khi tập kết ra Bắc, ông được ghé thăm nhà ba hôm.
Và ba hôm ấy, đã biến đổi hoàn toàn quãng đời riêng tư của ông. Bà mẹ ông khóc hết nước mắt vì mừng tủi gặp lại đứa con cầu tự; rồi nằng nặc đòi cưới vợ cho ông. Vì thương mẹ ở lại một mình đơn chiếc trong lòng địch, lo khi trở trời thiếu người nâng đỡ, phần thì nghĩ rằng chỉ hai năm sau là trở về, ông đã chấp thuận sự sắp đặt của mẹ, cưới một cô gái chưa hề biết mặt.
Hơn hai mươi năm sống trên đất Bắc, từ bộ đội trở thành sinh viên, rồi cuối cùng trở thành cán bộ giảng dạy đại học, tóc bạc gác tóc đen, ông luôn luôn ở tư cách của người đã có vợ, chỉ vùi đầu vào sách vở, nào có tơ hào chi đến chuyện trăng gió! Vậy nên bây giờ, gặp phải tình yêu của nàng dành cho ông; vừa mặc cảm, hoang mang và hoảng hốt, ông lại vừa thấy một cái gì mới lạ, ngày một làm tươi trẻ đời ông, như một thứ men say ngọt ngào cứ thấm dần từng ngày một, và không sao cưỡng lại được. Tâm trạng của ông trước tình yêu với nàng là tâm trạng của ngừơi ăn trái cấm, đầy khờ vụng. Vì thế, ông càng ém giấu lòng mình, nó càng bùng lên ngọn lửa thèm khát yêu đương mới mẻ…
Ông nhớ là, hai người hôn nhau lần đầu tiên dưới chân cầu thang. Đấy là một chiều nàng quay trở lại. Đã ba hôm liền nàng dọn đồ đạc về cho bà ngoại nàng. Người ta đã dựng lại túp lều tranh cho bà trên đất nền cũ.(Nhưng không hiểu sao bà nhất quyết giữ nàng lại nhà ông. Bà cười cười, và nói rằng ở đây em nó thuận tiện cho việc học hành hơn). Trong tâm trạng bồn chồn, trông ngóng “như đứng đống la, như ngồi đống than”, ông bước xuống cầu thang thì vừa gặp nàng chạy ngược lên. Và, như cánh đồng khô hạn lâu ngày gặp mưa, nàng(và hình như cả ông) đã ôm chầm lấy nhau. Hình như cả ông và nàng đều không chịu được nổi sự xa cách. Đến bây giờ, ông như còn thấy ở đầu môi vị ngọt ngào và nóng bỏng, cứ tan ra, lịm dần vào cơ thể của cái hôn ngỡ như không bao giờ dứt đó, mà lần đầu tiên trong đời ông được hưởng.
Nhưng liền sau đó, nỗi mặc cảm về tội lỗi xâm chiếm lòng ông, khi ông trở về phòng mình và bắt gặp cái nhìn như bàng hoàng, hơi ngơ ngác và thảng thốt của người vợ quá cố trong tấm ảnh chụp lại, phóng to để trên bàn làm việc. Đây là tấm ảnh duy nhất mà ông giữ lại được của vợ ông. Bức ảnh chụp sau ngày cưới, nghĩa là một ngày trước lúc ông ra Bắc. Ông giữ nó quá lâu trong ví nên bị ố vàng nhiều chỗ. Nghe nói, cô ấy hy sinh sau tết Mậu Thân, khi đơn vị du kích của cô chặn đứng đợt phản kích điên cuồng của sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ vào Thành Nội, hòng chiếm lại nửa thành phố vừa treo cờ giải phóng được hai mươi ngày.
Có lẽ, không chỉ có mình cô ấy bàng hoàng. Ông cũng vậy. Cả hai nào đã chuẩn bị gì cho việc trăm năm? Đã kịp nhìn thấy mặt nhau trước ngày cưới đâu, nói chi đến chuyện có thời gian tìm hiểu, yêu đương? Bàng hoàng và thảng thốt như sau một giấc mơ, nhưng cả hia đều chấp nhận; bởi tình nước nghĩa nhà lớn hơn nhiều so với tình yêu của cá nhân hai họ. Cho nên bây giờ, tình cảm của ông dành cho vợ, như dành cho một liệt sĩ, một người đồng đội gần gũi đã anh dũng hy sinh; mà thiếu hẳn tình cảm lứa đôi. Và vì thế, dù luôn luôn mặc cảm về sự có tuổi, sự có vợ, có con của mình, tình yêu của ông đáp lại nàng cũng tươi trẻ, si mê và khờ khạo của mối tình thứ nhất.
Hình như mọi tình yêu lứa đôi của người đời, đều đòi hỏi vượt qua những chặng đường mà trên đó được cắm mốc phân định hẳn hoi. Ông hoàn toàn ngu ngơ, không biết ngay trước mắt mình giờ đây sẽ là cái mốc gì đang chờ đón.
Vì thế, ông rất vui sướng nhận lời cùng về thăm nhà nàng, nhân dịp nàng nghỉ hè sau kỳ thi tốt nghiệp căng thẳng; trong đó sự nỗ lực của ông và của nàng đã không uổng; nàng đã đỗ thủ khoa. Ông đơn giản nghĩ rằng, cả ông và nàng cần được nghỉ ngơi thư thả một chút, để thay đổi không khí, tại một miền quê trong lành; và nhân thể, ông đưa nàng thăm lại một số vùng chiến trường cũ, nơi nhiều đồng đội của thời trai trẻ đã ngã xuống. Nhưng khi nghe nàng nói còn khoảng nửa cây số nữa là đến nhà, và thấy ánh mắt cùng vẻ nghiêm trang, lo lắng của nàng, thì ông chợt hiểu ra rằng ông đang đi làm một việc trọng đại riêng tư trong đời, và sự thể có thể không đơn giản. Thật thế, sự ra mắt của chàng rể ở nhà nàng đã làm cho cả hai đều đau khổ; riêng ông còn có chút gì đấy như thể bị xúc phạm.
Vừa thoáng thấy bóng nàng ngoài ngõ, bà mẹ và hai thằng em nàng cùng “ồ” lên sung sướng, và lao đến tay bắt mặt mừng, vồ vập ríu rít. Nhưng liền đó trông thấy ông, và qua lời giới thiệu của nàng, mặt bà mẹ chợt kín đáo xịu xuống; còn mặt hai đứa em thì ngơ ngơ ngác ngác. Không khí buổi đoàn tụ bỗng trở nên rời rạc, tẻ nhạt. Ông phán đoán là nàng đã có viết thư về báo trước cho gia đình, thông báo chuyện này. Nhưng họ vẫn không sao tránh khỏi bàng hoàng trước một chàng rể tương lai ngoài sự tưởng tượng của họ.
Lúc ấy ông thấy thương nàng nhiều hơn thương mình. Nàng phải một mình ngoi ngóp bên này bên kia để cố lấp đầy cái khoảng trống như một dòng sông vưà hình thành giữa ông và gia đình; mong lấy một niềm thông cảm của mẹ và các em, đồng thời cốt yếu để che đậy cái khoảng trống khiến ông có thể buồn tủi và thương tổn lòng tự ái.
Nhưng bà mẹ nàng không hiểu, hay đúng hơn, bà cố ý không hiểu. Mặc dù cho nàng hoài công như con nhện cần cù và gấp gáp giăng những cái dây tơ mảnh nối hai bờ của hố ngăn cách, bà cứ dội dông bão lên hai người yêu nhau.
- Dạ, mời bác xơi cơm. Bác có mấy cháu rồi, và gia đình giờ ở đâu ta? Mẹ nàng hỏi, cố kéo dài tiếng “bác” đầy ác ý, khi tất cả đã ngồi vào mâm cơm tối.
- Mẹ! Con xin mẹ…
Nàng thốt lên, hoảng hốt và van xin đầy nhẫn nhục. Ông thấy rõ hai giọt nước mắt trào ra, lăn xuống bát cơm của nàng. Tim ông đau thắt. Đã thế, ông sẽ cưới nàng, cưới rất to, và cưới nàng ở nhà hàng, cho mà xem! Phải, luật pháp sẽ bênh vực ông và nàng. Nghĩ thế, ông lấy lại sự điềm đạm vốn có, và trả lời mẹ nàng, như thể không có chuyện gì xảy ra:
- Cám ơn chị. Tôi có một cháu gái lớn hơn con gái chị đây - Ông chỉ nàng - Nó lấy chồng ở mãi trong Nam.
Ông nhớ, lúc ấy nàng ngước mắt nhìn ông như dò hỏi, nhưng ông không hiểu nàng định nói gì.
Đêm ấy ông lấy cớ đi đường mệt, lên nằm sớm. Ông nghe lầm rầm to nhỏ tiếng nàng và mẹ nàng dưới bếp. Chắc nàng kiên nhẫn thuyết phục mẹ nhưng không được, vì cuối cùng là tiếng nàng khóc.
Không hiểu, do tuổi ông không còn trẻ nữa để chịu đựng những thử thách vô bổ, hay do cách cư xử thiếu tế nhị và bất công của mẹ nàng, mà ông thấy không thể kéo dài thêm ngày ở trong gia đình nàng. Ngay sớm hôm sau, ông gói ghém đồ đạc và chia tay gia đình, nói là đi thăm một chỗ đóng quân cũ, rồi sẽ trở lại. Nhưng nàng đã chạy theo ông ra tận đường cái, gục mặt vào vai ông mà khóc tức tưởi. Nàng biết là ông sẽ không quay trở lại nữa. Nàng van ông hãy thương lấy nàng, rằng ông là cả đời nàng, vắng ông nàng sẽ không sống nổi.
Ông trở về nhà hôm trước, thì hôm sau, bất ngờ, nàng cũng chia tay với gia đình và quay trở lại cùng ông. Mặt nàng hớn hở và rắn rỏi, như thể vừa dứt khoát đoạn tuyệt với gánh nặng gia đình, để đi theo tiếng gọi của trái tim.
Đêm ấy là một đêm, có lẽ, nàng muốn quyết định tất cả, dứt khoát tất cả, rõ ràng tất cả. Bởi điều đó hoàn toàn liên quan đến nơi nhận công tác sắp tới của nàng.
Buổi chiều nàng từ trường về, nhảy chân sáo lên cái bậc cầu thang. Ông ra đón, và bắt gặp trên khuôn mặt nhiều nét trẻ con của nàng có một vẻ gì mới lạ, khó hiểu và khó tả.
- Em được quyền tự chọn nơi công tác đấy. - Nàng nói trong khuôn ngực phập phồng vì phải thở gấp - Anh thấy nên thế nào?
- Anh hoàn toàn ủng hộ ý muốn của Quỳnh!
Ông nói, và nắm đôi tay trần rất đẹp của nàng, hoàn toàn không lường trước mọi lẽ. Điều này thật là tai hại. Khi nàng cần ở ông sự dứt khoát, sự quả quyết băng rào chắn của lễ giáo cổ lỗ, để đi thẳng đến hạnh phúc; thì ông, con người của hai nửa cổ kim, một lần nữa, lại chần chừ giây lát; giây lát thôi; và thế là mọi sự tan vỡ, mọi sự trở nên ân hận và nuối tiếc, day dứt không nguôi…
Như bây giờ ông nhớ rõ, thì đó là một đêm trăng rất đẹp, thậm chí thần tiên. Ông làm việc trong phòng riêng, lòng không gợn chút ưu tư.
Được sống bên nàng, ông không còn mong ước gì hơn. Bấy giờ khuya lắm rồi, có lẽ nàng đã đi ngủ. Ước chi nàng còn thức để ông đọc cho nghe bài thơ vừa viết xong.
Chợt ông nghe tiếng thỏ thẻ ngoài sân thượng:
- Anh ơi, có… hoa quỳnh nở.
Ông vui sướng một cách hấp tấp, đẩy cửa bước ra, tay cầm bài thơ mới viết. Và, một cảnh tượng làm ông đến ngỡ ngàng: Sân thượng của ông, hay cõi tiên? ánh trăng hay một thứ bụi phấn phát quang trong suốt, rây tự trời cao xuống? Mỗi chậu hoa, cây cảnh, hòn non bộ sù sì; và đặc biệt chậu cây quỳnh đặt cạnh cành đào mà trên một chiếc lá to và dài, xanh thẫm của nó treo chếch một bông quỳnh mới nở xoè lớp cánh vòng ngoài… hết thảy đều đẫm ướt ánh trăng lung linh, huyền ảo trong ánh trăng.
Nhưng nổi bật hơn hết, rực rỡ hơn hết, là nàng, như một vũ nữ, đang ngồi vắt chéo hai chân trần, trên chiếc ghế nhỏ, lưng tựa vào thành chiếc giường sắt lò so đặt cạnh bàn trà, nơi ông thường ngả lưng những lúc làm việc quá mệt. Trong bộ váy ngắn, trắng và mỏng như voan, nàng như một bông quỳnh đang nở, thơm ngát, từ đôi chân, đôi tay, hai bờ vai trần, đến cái cổ cao và khuôn mặt đều lồ lộ dưới trăng, nhễ nhại ánh trăng.
Ông bước ra, và nàng vươn đến, rơi lả vào đôi tay rắn chắc của ông. Phút chốc, nàng như một bông quỳnh vào sáng sớm hôm sau trên tay ông. Trong ánh trăng, đôi mắt nàng lấp lánh một cái nhìn man dại và đẫm ướt. Hình như nàng lấy tay ra hiệu cho ông đặt nàng xuống giường… Lúc đó nàng cười rất lạ, và bảo ông nhắm mắt lại. Ông ngây người trước vẻ đẹp lạ lùng của nàng; hầu như chưa kịp nhắm mắt thì nàng đã cởi bỏ xong áo váy. Vẻ mặt sung mãn và e thẹn, nàng nắm tay khẽ kéo ông xuống sát mình. Và, ông đẫm mình trong thân thể nồng nàn của nàng.
Có lẽ, nàng đã quyết định rồi, lựa chọn rồi; không gì có thể ngăn trở nàng. Nàng muốn cùng ông hoà tan trong hạnh phúc lứa đôi; cùng đặt tất cả như một sự đã rổi ra trước người mẹ khắc nghiệt, để mong thời gian giúp bà nghĩ lại.
Nhưng chao ôi, có lẽ ông không hiểu được ý nàng, không hiểu hết nàng. Có lẽ thế. Đúng cái giây phút thiêng liêng của Eva và Ađam sắp hoà tan vào nhau, ông chợt thấy những món tóc xám bạc của mình rơi rũ xuống mái tóc mượt của nàng, khiến ông thấy mình già nua tuổi tác, trong khi nàng trẻ trung, trinh trắng thế kia? Hay lại một chút mặc cảm về sự mình đã có vợ có con, thậm chí có cháu? Hoặc cái không khí đối xử xua đuổi của mẹ nàng hôm ấy chợt len vào trong ý nghĩ? Không rõ nữa. Chỉ biết rằng, trong một giây, một giây thôi, vòng tay của ông chợt lơi lỏng…
Và, con người cực kỳ nhạy cảm, cực kỳ dứt khoát trong nàng đã bắt gặp, đã nhận ra. Như thể bị xúc phạm, nàng gạt ông ra giường, vùng dậy vơ vội váy, đi như chạy xuống cầu thang. Một thoáng ngơ ngác cho ông. Và hình như ông chợt nhận ra, vội lao đuổi theo nàng. Nhưng đã muộn rồi. Phải, muộn rồi. Ông gõ cửa tới tấp những âm thanh van xin vào cánh cửa phòng nàng. Có tiếng dép lẹt xẹt trên nền gạch bông và tiếng nàng nói qua khe cửa:
- Anh về ngủ đi. Giữa chúng ta coi như không có chuyện gì hết, không có gì hết…
Nàng nói và bỏ đi. Lát sau, ông nghe tiếng vòi nước vặn hết cỡ trong buồng tắm, làm nước rơi rào rào như mưa. Tiếng nước dội phũ phàng; khiến ông có cảm giác nàng muốn rũ bỏ tát cả, gột sạch tất cả những gì đã có giữa ông và nàng…
Ông mệt mỏi trở về buồng ngủ, đầy nhiếc móc, sỉ vả về sự ngu ngốc, hèn nhát của mình. Rất lâu, ông ngủ thiếp đi…
Bản tin sáng phát ra từ một chiếc loa treo ở cột điện góc phố, đã đánh thức ông dậy. Đầu óc nặng trĩu, trí nhớ loáng thoáng về mọi điều xảy ra hồi đêm; song ông hoàn toàn không dám chắc đó là thực hay mơ.
Nhưng sao yên ắng quá. Mọi sáng, vào giờ này đã nghe tiếng chân lên cầu thang sẽ sàng và thoăn thoắt của nàng; rồi tiếng nước rây róc rách vào các khóm hoa, gốc cây cảnh trên sân thượng. Và trong ánh sáng mờ mờ của vầng dương mới hình thành đâu đó phía chân trời, nàng trong bộ đồ mặc ở nhà vén cao, lộ rõ những bắp chân, bắp tay trắng trẻo, thon lẳn; với những động tác tưới cây dịu dàng uyển chuyển làm sao!
Không chịu nổi sự im ắng, ông vùng dậy, mặc bộ pijama, rồi vừa cài cúc áo vừa lao xuống cầu thang. Cánh cửa phòng nàng nhẹ tênh trong tay ông. Và hiện ra một căn phòng lặng ngắt, trống trơ, chẳng còn dấu vết gì chứng tỏ bấy lâu nàng vẫn sống ở đây, ngoài một đôi guốc cũ đứt quai, nằm đóng bụi xó giường…
Ngày hôm sau, ông lần tìm được ngôi nhà tranh của bà ngoại nàng ở ven thành. Nhưng không có nàng ở đấy nữa. Bà già đón ông gương mặt đượm buòn. Và, câu nói trách móc vẻ bâng quơ và hóm hỉnh của bà, ông vẫn còn nhớ: “Đời thủa, chim đậu không bắt, lại đi bắt chim bay!”.
Thế là ông để mất nàng. Phải, chính ông để mất nàng, để mất hạnh phúc duy nhất và muộn màng của đời mình. Năm năm trời, nàng trôi dạt nơi đâu giữa cái dòng đời cuộn xiết? Giờ đây trong ông, nàng như một kỷ niệm, một hoài niệm nhức nhối của một thời xa vắng, nông nổi…
Thế mà, bỗng dưng nàng đột ngột trở về. Phải chăng nàng đã tha thứ những lỗi lầm của ông? ý nghĩ này khiến ông phấn chấn, cho xe hoà vào dòng người chảy xiết qua cầu Tràng Tiền.
Những cánh buồm, những mái chèo ẩn hiện trong sương lạnh về chen chúc trước chợ Đông Ba trăm màu sắc của ngày giáp tết.
Ông cho xe men theo đại lộ Hùng Vương tấp nập người, hồi hộp và thắc thỏm chờ đợi cái ngã tư của những người bán hoa, nơi sáng qua ông nhận ra nàng.
Ông dựng xe vào góc phố và bắt đầu bươn bả trên cái lề đường vừa hoa vừa người đông đúc. Ông đến được gốc si, nơi nàng hẹn gặp ông sáng nay. Nhưng ông hoàn toàn hụt hẫng, bởi chỗ đó bây giờ là một bà già teo quắt và khắc khổ, với mớ hoa cúc vạn thọ cũng khắc khổ như người bà. Ông đảo mắt quanh một lượt như ước lượng, rồi quyết định bắt đầu sự tìm kiếm của mình có thứ tự, từ đầu này đến đầu kia của cung đường, để tránh bỏ sót.
Nhưng ông hoài công tìm kiếm. Đến chót người cuối cùng, nàng vẫn như một giấc mơ sau khi ông bừng tỉnh. Ông đứng chôn chân lặng ngắt bên lề đường, nét mặt hằn nỗi đau khắc khoải. Không ai hay biết chuyện gì của ông.
truyen ngan
lamtruyen.com
Bản quyền thuộc về © lamtruyen.com